Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

CHUYỆN TÔI VÀ NGƯỜI CHÚ RUỘT-

                           CHUYỆN TÔI VÀ NGƯỜI
                      CHÚ RUỘT TÔI-NGUYỄN BÂN
Cha tôi mất sớm, mới 34 tuổi đời đã vĩnh biệt cõi dương vào năm Đinh Hợi-1947. Mẹ tôi (Phan Thị Cúc) và ba anh em tôi (Nguyễn Hồng Trân, Nguyễn Thị Kha và Nguyễn Bá Triền) vô cùng đau xót. Lúc ấy, mẹ tôi thường ốm đau liên miên. Mấy anh em tôi, đói khổ, gian nan vì hoàn cảnh chiến tranh do giặc Pháp gây ra. Tôi mới lên 10 tuổi mà phải nghỉ học, đành ở nhà lao động giúp mẹ và hai em. Tôi nghĩ rằng, đời tôi sẽ tăm tối do bị thất học từ đây và mãi mãi sau này. Bà con ruột thịt của tôi ai cũng cảm cảnh khó khăn của gia đình tôi, nhưng ai vào thời ấy cũng rất khó khăn, chỉ thông cảm chia sẻ buồn vui chứ cũng chẳng giúp được nhau gì về vật chất cả. Ông bà nội tôi thì rất thương yêu mấy mẹ con tôi, nhưng cũng đành chịu ngậm ngùi đau khổ. Vì lúc đó, ông nội tôi bị giặc Pháp bắt ở tù tại nhà lao thị xã Quảng Trị. Sau đó ông bị giặc sai đi nhập vào đội phu kéo phà ngang qua sông Thạch Hãn (sát cầu ga Quảng Trị).

Thời kỳ ấy, gia đình tôi và một số bà con tản cư lên vùng rừng rú ở Giếng Đá. Ở đây không được bao lâu thì các bệnh tật bắt đầu lan truyền nhanh chóng, như bệnh ghẻ lở, bệnh sốt rét, bệnh thương hàn… Mẹ tôi và các em tôi đều bị ghẻ và sốt rét, còn tôi thì bị bệnh thương hàn rất nặng, may mà tôi đã thoát khỏi tử thần. Sau đó tôi yếu sức và đầu rụng hết tóc. Tuy vậy, tôi luôn phải cố gắng gánh củi đi ra chợ tỉnh bán để có tiền mua gạo và đồ ăn về cho gia đình.
Đến đầu năm Kỷ Sửu(1949), mẹ tôi xin bà con bên nội cho chuyển về làng ngoại ở vùng đồng bằng để sống gần với gia đình các cậu mợ ruột chúng tôi. Lý do cuộc di chuyển này chủ yếu là để khỏi sống ở vùng rừng rú luôn bị bệnh sốt rét liên tục đe dọa. Mặt khác, về quê mẹ tôi, có nhiều bà con ruột thịt bên ngoại quan tâm giúp đỡ động viên cũng an ủi phần nào cho sự buồn tủi của cuộc đời mẹ góa, con côi trong thời đoạn chiến tranh tàn khốc này.
Chú ruột tôi-Nguyễn Bân, khi biết được tin gia đình tôi gặp nhiều khó khăn và tôi vẫn chưa được tiếp tục học tiểu học, chú ấy rất thương và tìm gặp mẹ tôi, xin cho tôi đi theo chú để kèm cặp học tập. Chú tôi nói với mẹ tôi: “Anh mất sớm, chị và các cháu rất vất vả. Cháu Trân phải nghỉ học, tội lắm. Cháu là cháu đích tôn của ông bà Giáo Tiềm (tức Đàm) lẽ nào để cho cháu thất học? Cháu không còn cha thì có các chú ruột là như cha. Chị an tâm cho cháu đi theo tôi, tôi sẽ kèm cặp dạy dỗ cháu nên người”.
Nghe nói vậy, mẹ tôi và tôi rất mừng. Biết chú là cán bộ kháng chiến, là Phó Bí thư huyện ủy Hải Lăng lúc bấy giờ. Chú cũng rất bận rộn nhiều việc công, nhưng chú vì rất thương cháu nên chú phải nghĩ cách giúp cháu khỏi bị thất học. Thế là tôi chuẩn bị khăn gói lên đường theo chú dạy bảo.
Hồi đó chú Bân tôi làm Thẩm phán Tòa án huyện Hải Lăng. Các cơ quan ban ngành trong huyện thời chiến cứ lưu động theo Ủy ban Hành chính huyện, lúc chuyển đến vùng này, lúc sang vùng khác trong huyện một cách bí mật để tránh gián điệp của giặc tìm biết. Hồi đó, chỉ có chú tôi là có cháu ruột đem đi theo cơ quan huyện mà thôi. Chắc ai cũng kính nể chú tôi nên tôi mới được ưu tiên như vậy.
Hàng ngày, tuy chú tôi bận nhiều việc công, nhưng buổi tối chú kèm tôi học Văn, học Toán, học Luân lí. Sau đó chú ra bài cho ngày mai tự làm rồi tối chú sẽ kiểm tra bài làm. Hồi đó tôi rất chăm học và ngoan ngoãn nghe lời chú dạy bảo và vâng lời các cô chú bác trong cơ quan huyện dặn dò, bảo ban... Thấy tôi còn nhỏ mà mồ côi cha, lại siêng học hành, tính tình hiền lành vui vẻ nên ai cũng thương.
Tôi còn nhớ hồi ấy lương tháng của chú tôi chỉ có hơn 45 đồng tiền Tài chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà mỗi tháng chú tôi phải trả tiền ăn của hai chú cháu cho tổ Quản trị cấp dưỡng của Ủy ban huyện là hết 36 đồng. Chú chỉ cò gần 10 đồng đó thôi. Tôi thương chú lắm và tự hỏi: “Không biết chỉ có chừng ấy tiền còn lại, làm sao chú có thể dùng chi tiêu lặt vặt cho bản thân chú được?”. Càng nghĩ như vậy, tôi càng thương yêu chú vô cùng. Vì đứa cháu ruột mồ côi cha sớm mà để cho chú tôi chịu thiếu hụt lương tiền. Càng nghĩ như thế tôi càng lo chăm học nhiều hơn để đền đáp công ơn chú tôi.
Sau một thời gian khoảng 6 tháng đi theo chú kèm cặp học hành, đến tháng 9 năm 1949, nghe tin Ty Giáo dục quảng Trị có mở trường Tiểu học xã Hải Thái tại sau rú cát ở đình chùa gần làng Cổ Lũy, Hội Yên và Đơn Quế. Chú Bân tôi liền liên hệ xin cho tôi về học lớp 3 của trường này và gửi tôi về ở tại nhà thím Nguyễn Thị Thanh (vợ chú Bân) làng Cổ Lũy để đi học cùng với mấy người cháu của thím là bạn Đống, bạn Khải em ruột chị Nguyễn Thị Ước. Thế là tôi rất mừng được tiếp tục học hành chính quy theo trường công lập. Hồi đó có thầy Võ Văn Đàn (người Thy Ông), thầy Giao(người Nghệ An) là giáo viên, thầy Nguyễn Thạc(người Cam Lộ) làm Hiệu trưởng. Thời gian tôi ở tại nhà thím Thanh rất đầm ấm tình nghĩa của bà Út, cậu Đề, dì Hồng, cậu cơ, v.v… Gia đình thím tôi đã giúp đỡ nuôi tôi mấy tháng trời mà không nhận tiền gửi của mẹ tôi.
Đến đầu năm 1950, bà Nguyễn thị Lệnh(tức bà Giáo Úy- là bà cô ruột của tôi), xin đưa tôi về ở nhà bà bên làng Hội Yên để cùng học một lớp với cô Hoàng Thị Trâm cho vui để trao đổi bài vở học hành cho có bạn. Thế là chú Bân tôi đồng ý chuyển dời chỗ ở của tôi về làng Hội Yên. Như thế sẽ thuận tiện đi đến trường học cũng gần hơn.
Thời kỳ này thì gia đình tôi cũng đỡ khó khăn về kinh tế, nên chú Bân tôi không phải lo tiền ăn cho tôi như trước đây. Chú tôi không phải bận rộn lo dạy dỗ tôi như trước nữa. Tuy vậy, chú tôi vẫn quan tâm ghé đến hỏi han tôi về chuyện học hành và động viên tôi luôn tích cực học tập và tu dưỡng đạo đức cho tốt để được thầy thương, bạn bè quý mến.
Mỗi lần gặp chú, tôi cảm thấy vui mừng, sung sướng. Thái độ hiền hòa, ân cần hỏi han, khuyên bảo cháu thật chi li như nói với con đẻ của mình. Chú còn lo đóng từng quyển vở, tìm những quyển sách cho đọc thêm. Chú còn khuyên bảo tôi nhiều điều, làm cho tôi vô cùng cảm động và thấy mình đang được ưu ái của một người chú ruột thương yêu mình như một người cha đẻ. Chú còn nói với các anh học lớp trên cùng ở trong một nhà bà Lệnh là nhờ các anh quan tâm hướng dẫn thêm cho cháu Trân học hành cho tốt. Hồi đó có anh Quỳnh, anh Chút từ Diên Sanh, anh Nồng, anh Giám từ Văn Trị, Văn Quỹ về học cùng trường kháng chiến Hải Thái đó cả.
Cuối năm Canh Dần (1950), đầu năm Tân Mão (1951), giặc Pháp đưa máy bay đến oanh tạc mạnh ở các miền đồng bằng vùng tự do của ta rất căng thẳng. Một số học sinh trường tiểu học Hải Thái cũng bị chết và bị thương. Ngôi trường tiểu học này cũng bị hư hỏng nặng. Thấy tình hình không an toàn cho học trò và thầy giáo, ty Giáo dục cho trường tạm nghỉ học. Lúc đó tôi viết thư cho chú Bân để nói rõ tình hình đó và đề nghị chú cho Trân chuyển lên vùng Như Lệ để tiếp tục học năm cuối của trường tiểu học. Vì nơi đây cũng là vùng tự do miền tiền chiến khu Ba Lòng và trường này cũng là trường chính quy thuộc ty Giao dục Quảng Trị. Niên học 1951-1952, tôi học lớp 4 trường này. Sau đó, niên học 1952-1953, tôi sang học lớp 5 trường cấp II Triệu Sơn. Thời gian này gia đình chú Bân tôi đã chuyển lên sống ở chiến khu Ba Lòng. Do đó tôi không gặp được chú thím tôi. Hòa bình lập lại, tháng 6 năm Giáp Ngọ(7-1954), chú tôi đi tập kết ra Bắc với cơ quan. Thím Thanh và em Tâm(con chú thím) cùng đi theo. Từ đó, tôi mất liên lạc với chú Bân tôi. Tuy không còn gần gũi với chú, nhưng bên tai tôi vẫn luôn luôn văng vẳng nhưng lời khuyên răn, dạy bảo của chú. Tôi quyết tâm lo học hành cho tử tế.
Lúc đầu, tôi không định đi tập kết ra Bắc mà muốn ở lại quê hương và xin đến học tại trường Nguyễn Hoàng ở thị xã Quảng Trị. Nhưng cứ nghĩ đi, nghĩ lại rằng, mình phải ra tìm chú ở miền Bắc để có chú là chỗ dựa vững chắc về tinh thần để yên tâm phấn đấu học hành cho đến nơi, đến chốn. Thế là tôi quyết định đi ra Bắc. Lúc bấy giờ tôi kịp bàn với mẹ tôi và ông nội tôi để đi cho kịp thời chuyến tập kết sau cùng. Trong tuần cuối cùng ở quê hương, tôi vào thị trấn Diên Sanh ở lại với ông bà nội tôi được hai hôm, rồi về sống với mẹ và các em được mấy ngày thì lo khăn gói lên đường đi ra Bắc. Lúc đầu tôi ra vùng Hồ Xá, Vĩnh Linh để học trường cấp II ở đó. Nhưng lúc bây giờ nhà trường mới chuyển ra nên chưa có trụ sở, ngôi trường và các lớp học mà phải mượn tạm nhà dân để làm lớp học. Sách vở thì thiếu thốn. Thư viện nhà trường chưa có. Học sinh và thầy giáo vẫn thắp đèn dầu ban đêm để làm việc.
Những ngày ở thị trấn Hồ Xá, tôi liên hệ nhiều cơ quan trong tỉnh để hỏi thăm chú Bân tôi đang làm việc ở đâu, nhưng đều không có tin tức. Tôi có gặp bác Tuyến (Trưởng phòng Văn hóa, tuyên truyền của huyện Vĩnh Linh tại Hồ Xá), bác ấy nói một cách dự đoán: “Hình như chú Bân ra ngoài Nghệ -Tĩnh”. Nghe như thế, tôi liền đi bộ mấy ngày đêm ra thành phố Vinh để tìm trường nhập học, đồng thời chú ý liên hệ nhiều nơi để biết chú Bân tôi đang công tác tại cơ quan nào. Khi ra đến Vinh, tôi nghe người ta nói rằng, ở trường cấp II Đức Thọ có nhiều học sinh Trị Thiên ra học. Thế là tôi gấp tốc đến Thị trấn Đức Thọ để xin vào học trường đó. Trường này do thầy Trần Đình Đàn(người Quảng Nam) làm Hiểu trưởng. Tôi mừng quá liền làm đơn xin nhập học. Thầy Đàn chấp thuận nhận vào học niên học 1955-1956. Lúc ấy tôi ở trọ trong nhà dân vùng Châu Phong(gần chợ Hạ) để đi học. Trong thời gian này gặp người cán bộ nào đi phố, đi chợ, tôi đều hỏi:
“Chú ơi! Chú có biết chú Nguyễn Bân tôi ra ngoài này làm việc ở đâu không?”.
Cứ gặp người cán bộ nào tôi cũng hỏi như vậy mãi cả tháng trời mà cũng không có câu trả lời nào là biết cả. Tôi buồn quá. Học được một thời gian ngắn, bọn học sinh chúng tôi hẹn nhau đến chụp ảnh kỷ niệm ở hiệu ảnh “Ánh Sáng” ở thị trấn Đức Thọ. Thế là may quá, câu hỏi của tôi đã đem lại hiệu quả. Người cán bộ trẻ nói giọng Quảng Trị nói rằng:
-Có phải anh Bân làm Tòa án không? Ông Bân ấy đang ở thị xã Hà Tĩnh. 
-Đúng rồi đó chú ạ. Cháu cám ơn chú nhé.
Tôi mừng quá đã tìm được địa chỉ của chú tôi. Thế là sáng ngày mai tôi liền đi bộ gần 50 cây số về ngay thị xã Hà Tĩnh thì tìm gặp được chú Bân tôi.
Ôi, thích quá! Hai chú cháu ôm nhau mừng vui, sung sướng. Tôi được sống với gia đình chú thím tại thị xã Hà Tĩnh và đi học trường cấp 3 Phan Đình Phùng. Trường này mới chuyển từ Ngu Lâm, Đức Thọ về thị xã Hà Tĩnh. Như vậy, nguyện vọng của tôi được sống gần người chú ruột Nguyễn Bân đã được toại nguyện. Mặt khác, tại trường này có một tổ chức học sinh miền Nam tập kết khá đông nên rất vui. Hồi đó, tôi cũng được học bổng của Nhà nước cấp mỗi tháng 20 đồng và một bộ quần áo/ một năm.Được học bổng như thế chú thím tôi rất vui mừng, không thì chú thím tôi cũng khó khăn mà nuôi tôi ăn học được.Lúc ấy tôi rất phấn khởi và yên tâm lo học hành chăm chỉ, rèn luyện đạo đức thường xuyên để tiến bộ.
Hai năm học lớp 6 và lớp 7 của trường này, tôi đã có gắng học tốt toàn diện các môn học. Nhưng nổi bật nhất là tôi rất giỏi môn toán. Hồi đó tôi và bạn Nguyễn Cương là hai học trò giỏi toán nhất lớp 6 và 7. Cuối năm học, thầy Lê Trần Sửu- Chủ nhiệm lớp tôi đã phê vào học bạ tôi câu: “ là một học sinh khá giỏi toàn diện VĂN THỂ MỸ ĐỨC”. Tôi đưa học bạ về cho chú tôi xem. Chú tôi nhìn thấy thế, chú rất hài lòng và tin tưởng con đường học hành thành đạt của tôi trong tương lại là rất vững vàng, chắc chắn. Chú tôi nhìn tôi trìu mến và nói chầm chậm:
-Phải còn cố gắng nhiều thêm nữa cháu ạ. Bước đường đời con dài, còn lắm chông gai, cần phải chịu khó, cần phải siêng năng mới đạt kết quả, không được chủ quan chút nào nghe cháu!
-Dạ vâng! Cháu xin luôn nghe lời chú dạy bảo.
Tối hôm đó tôi nằm ngủ lại thấy chiêm bao có ba tôi và ông nội đến gặp tôi với nét mặt vui tươi chuyện trò với tôi vui vẻ. Chắc ba tôi và ông nội tôi thấy tôi có nhiều có gắng học hành siêng năng, với lại được sống với chú Bân rất tận tình với cháu nên ba tôi và ông nội rất vui lòng. Bản thân tôi tự thấy mình cũng diễm phúc có được một người chú ruột như thế.
                                                        NHT

Không có nhận xét nào: