Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Ký sự CHUYẾN DU NGOẠN VỀ VỊNH HẠ LONG

Ký sự CHUYẾN DU NGOẠN VỀ VỊNH HẠ LONG
                                          Nguyễn Hồng Trân
Vào những ngày cuối tuần đầu thu, gia đình chúng tôi đã cùng nhau du ngoạn về vịnh Hạ Long- nơi đã được danh hiệu là một trong những “Kỳ quan mới của thế thế giới” vào năm 2012. Đó là niềm vinh dự lớn cho đất nước Việt Nam ta. Có nhiều người trong nước và nước ngoài từ trước tới nay đã từng đến du lịch vùng vịnh Hạ Long này và ai cũng thấy choáng ngợp trước quang cảnh kỳ vĩ của núi non biển cả Việt Nam. Trước đây (năm 1994), Vịnh Hạ Long đã được Unessco vinh danh là di sản thiên nhiên đẹp của thế giới. Nơi đây có hàng nghìn ngọn núi lớn nhỏ đã nhô lên khỏi mặt nước biển tạo thành một vùng núi đảo sát thềm lục địa phía Bắc nước ta và trông cảnh vật nơi đây thật đẹp đẽ tuyệt vời.
Chúng tôi đã đăng ký chuyến du lịch trên vịnh Hạ Long lần này theo phương thức khuyến mại “trọn gói” với giá là 2 triệu đồng/ mỗi người cho lượt đi về hai ngày có ở lại trên vịnh một đêm (gồm cả ăn uống và các phương tiện đi lại trong chương trình du lịch). Ngày 10/ 8/2013, chúng tôi tập trung tại cửa Nhà hát lớn Hà Nội từ sáng sớm 7,30’ giờ. Đúng 8 giờ, ô tô du lịch khởi hành đưa chúng tôi lên đường về tỉnh Quảng Ninh. Ôtô chạy qua Bắc Ninh, tới Hải Dương, sang Đông Triều, Uông Bí rồi đến nhà đón tiếp khách du lịch tại dãy khách sạn lớn trên bến cảng Tuần Châu của vịnh Hạ Long. Tại đây chúng tôi gặp nhiều khách trong nước và ngoài nước đến tham quan rất đông.
 Đến đây, chúng tôi được mời ăn uống nhẹ nhàng và ngồi hóng mát, nhìn ra bến cảng du lịch của vịnh. Tại bến cảng này có hàng trăm chiếc tàu thủy cỡ vừa và nhỏ được quy định đậu ngay hàng, thẳng lối trên từng vùng bờ vịnh. Những con tàu này hầu hết là của Công ty du lịch Hạ Long; cũng có một số tàu liên kết du lịch với với các chuyên gia nước ngoài như Philippin, Thái Lan, Pháp,v.v… Những loại tàu này đều sơn màu trắng ngà (để dễ phản xạ khác biệt rõ với màu nước biển xanh) và càng làm nổi bật những cánh buồm nâu trên tàu. Những con tàu du lịch này có từ 2 tầng đến 4 tầng với những cái tên Việt như Âu Cơ, Hạ Long, Bài Thơ…, những cái tên nước ngoài như Paradise Luxury (Thiên đường sang trọng), Paradise Cruise (Thiên đường trên biển), Star Light (Ngôi sao sáng), Ha Long sall (thuyền buồm Hạ Long),v.v…
Phần lớn những chiếc tàu du lịch có tổ chức ở đây của các công ty du lịch đều gọi chung là “Du thuyền”. Ngoài ra còn có nhiều chiếc thuyền nhỏ của tư nhân chở khách tự do cũng lưu hành khắp nơi trên vịnh và đỗ vào những bến bờ lẻ tẻ đó đây tại chân các hòn đảo trong vịnh.
 Chúng tôi du ngoạn trên tầu “Paradise Luxury”. Tầng 1, tầng 2 là các phòng nghỉ thuộc chuẩn “5 sao” rất sang trọng, hiện đại, nhưng các hoa văn trang trí nội thất theo phong cách Á Đông rất dễ chịu và đẹp mắt; tầng 3 là nhà ăn và sinh hoạt đời sống; tầng 4 là ngắm cảnh và các sinh hoạt văn hóa, thể thao… Tầng nào cũng sạch sẽ, đẹp đẽ, hài hòa. Chúng tôi rất thích thú ở trên du thuyền này trong 2 ngày tham quan Vịnh Hạ Long.
Ngày đầu tiên:
-Con tầu “Thiên đường sang trọng” đã đón chúng tôi lên tầu và thực hiện một loạt chương trình của chuyến du ngoạn này như:
-Thưởng thước ly giải khát chào mừng đoàn tham quan và giới thiệu những người phục vụ trên tầu. Ông trưởng quản lý tàu là người Philipin, ông chuyên gia du lịch là người Thụy Điển, còn lại các phục vụ viên nhà hàng, ăn uống, phòng buồng đều là nam nữ thanh niên người Việt.
-Cảm nhận bữa ăn trưa mang đậm phong cách Á Châu.
-Buổi chiều đến tham quan hang “Sửng sốt” ở trên cao trong lòng núi đá (do các thuyền máy đưa khách đến chân núi để leo lên hang).
-Thuyền máy đón quý khách về lại tàu và tiếp tục hành trình trên vịnh.
-Tầu đưa quý khách đến tham quan đảo “Ti Tốp”.
-Chiều tối, con tầu “Thiên đường Sang trọng” đưa du khách về khu vực nghỉ lại đêm trên Vịnh Hạ Long yên bình.
-Buổi tối, quý khách ăn bữa tối, rồi nghỉ ngơi.
-Sau đó có thể tham gia các hoạt động giải trí buổi tối như: xem chiếu phim, câu mực, chơi cờ hoặc thư giãn với các dịch vụ Spa.
Ngày thứ hai:
-Buổi sáng sớm, hướng dẫn tập thái cực quyền trên tầng thượng.
-Sau đó dùng bữa sáng ăn bánh ngọt và uống cà phê, trà chanh.
-Tiếp đến, tầu đưa quý khách đi tham quan “Hang Luồn”.
-Ăn bữa sáng chính tự chọn theo phong cách Âu Châu.
-Buổi trưa về, quý khách làm thủ tục thanh toán trả phòng tại tầng 1 của tầu.
-Tầu đưa quý khách về cập bến cảng Tuần Châu. Quý khách tạm biệt những người phục vụ trên tầu, hẹn ngày gặp lại sau. Thế là kết thúc cuộc du ngoạn trên vịnh Hạ Long.
-Quý khách lên phòng chờ của khách sạn du lịch, dùng bữa ăn trưa rồi ngồi nghỉ ngơi chờ xe du lịch đến đón trở về lại nơi xuất phát.
Người ta nói rằng, muốn tham quan kỹ vùng vịnh Hạ Long này thì cũng phải mất hơn một tuần mới thỏa mãn. Vì chỗ nào cũng đẹp, cái gì cũng muốn xem. Đến đây như lạc vào một “Mê cung” biển đảo đồ sộ hấp dẫn vô cùng!
Lần này chúng tôi chỉ du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và đến xem được một số ít hang động ở đây mà thôi. Chúng tôi vào tham quan động “Sửng sốt”. Động này và một số hạng động khác trên dãy đảo Bồ Hòn là do người Pháp Legderin, thuyền Trưởng tàu Avalence đã phát hiện từ năm 1901. Trong cuốn Du lịch Hạ Long xuất bản năm 1938, họ gọi hang này là Grotte des surprises (Hang động của sự sửng sổt, ngạc nhiên). Cái tên hang động “Sửng Sốt” thì mới được đưa lên vào năm 1946 (Do đoàn thám hiểm Quốc gia đến đây và chính thức đặt tên gọi tiếng Việt này). Miệng hang động này cách mực nước biển khoảng 25m. Từ cửa hang nhìn ra một vùng biển lặng vây quanh bởi vòng cung của núi Bồ Hòn và cách đó chưa tới 1km là những hòn núi nhỏ, nơi cửa hang Bồ Nâu nhìn ra biển.
Động này nằm trong một hòn đảo thuộc dãy núi Bồ Hòn.   Từ chân núi lên các hang ta phải leo qua 139 bậc cấp bằng đá. Trong ba hang của động “Sửng sốt”, các khối hình của thạch nhủ rất đa dạng mà người ta có thể hình dung được nhiều thứ trong đó. Chẳng hạn chỗ này như con sư tử, chỗ kia là con rồng, chỗ nọ là ông Tiên, v.v…
Lòng hang động “Sửng Sốt” gồm có ba hang lớn được ngăn nối với nhau bởi các ngách ngăn rất hẹp. Ngăn ngoài có trần cao với rất nhiều nhũ rủ xuống. Tiếng nói trong hang nghe rất rõ do không bị vang vọng. Đặc biệt, ở khoang này hầu như không có nhũ vì nóc hang không có khe nứt, không có nước nhỏ giọt.Giữa hang có một cột nhũ khổng lồ nối thẳng từ nóc xuống nền hang, rất đẹp. Ở đáy hang, ta cũng thấy vỡ ra những mảng lớn để lộ những con đường ngầm, ngõ ngách sâu thẳm. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1999, người ta đã xây một lối đi bằng đá dài 800m uốn quanh lòng hang để cho du khách thuận tiện đi lại tham quan. Tại vùng biển này, các thuyền chài tụ tập thành một làng mà quanh đó có các hang Bồ Nâu, Mê Cung, Hang Luồn, đảo Ti Tốp, hòn Đầu Người…  
Sau khi tham quan xong hang động “sửng Sốt”, chúng tôi sang đảo Ti-Tốp. ngày xưa đảo này có tên gọi là đảo “Nghĩa Địa” (là do tàu hàng của Pháp bị nạn năm 1905 tại đây rồi họ lập nghĩa địa chôn cất những người tử nạn trên đảo này). Dưới chân đảo rất cao này là một bãi cát vàng nhìn xa như một vầng trăng khuyết. Trên đỉnh đảo này có xây một đài quan sát hiện đại. Bãi tắm này trải dài hơn 100 mét với toàn cát vàng và nước biển trong xanh, sạch sẽ. Du khách rất thích dừng chân lại tắm biển và chèo thuyền Kazac dạo chơi xung quanh biển đảo. Địa điểm này, ngày xưa khi nhà du hành Vũ trụ Giéc -Man Ti -Tốp (cựu Chủ tịch Hội Xô-Việt hữu nghị) sang thăm Việt Nam năm 1962, bác Hồ đã mời đi cùng với Bác ra tham quan vịnh Hạ Long rồi dừng chân tại bãi cát này ngắm cảnh và tắm biển. Ông Ti-Tốp khen nơi đây cảnh đẹp và Bác vui vẻ nói với  ông Ti- Tốp là sẽ đặt tên ông để kỷ niệm một vị anh hùng lên vũ trụ tại vùng vịnh Hạ Long. Ti-Tốp thấy vinh dự liền cám ơn Bác Hồ đã đặc ân tình hữu nghị Việt –Xô.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi được đến tham quan hang Luồn. Hang này nhỏ nhưng độc đáo. Vì đây là hang lộ thiên phía trong hòn đảo nên tàu đậu bên ngoài xa, ca- nô đưa khách đến gần hòn đảo rồi có thuyền chèo đưa từng tốp nhỏ du khách luồn qua hang hẹp vào bên trong. Trong lòng đảo như một cái hồ tròn, xung quanh là vách đá dốc đứng. Bên trên có nhiều cây cối xanh um, thấp nhỏ. Đặc biệt tại đây có một đàn khỉ leo trèo nhảy nhót rất tài tình. Chúng thấy ghe thuyền chở du khách vào là cứ nhảy xuống ngồi trên những mỏm đá sát bờ để chờ có gì có thể ăn được khi khách tặng cho.

Trong các sách báo, tạp chí du lịch Việt Nam đã ghi rằng:
Vịnh Hạ Long có từ xa xưa do những kiến tạo địa chất. Tuy nhiên, trong tâm thức của người Việt từ thời tiền sử với trí tưởng tượng dân gian và ý niệm về cội nguồn con Rồng cháu Tiên, một số truyền thuyết cho rằng khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.
Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15 km)”.
Thực ra tên gọi vịnh Hạ Long ngày nay là đã có bao nhiêu tên khác nhau thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử, thời Bắc thuộc khu vực này được gọi là Lục Châu, Lục Hải. Các thời , Trần, Vịnh mang các tên Hoa Phong, Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn hay Lục Thủy. Tên Hạ Long (rồng đáp xuống) mới xuất hiện trong một số thư tịch và các bản đồ hàng hải của Pháp từ cuối thế kỷ 19.
Trên tờ Tin tức Hải Phòng xuất bản bằng tiếng Pháp có bài viết về sự xuất hiện của sinh vật giống rồng trên vùng biển đảo này, khi người Pháp Legderin, thuyền trưởng tàu Avalence cùng các thủy thủ bắt gặp một đôi rắn biển khổng lồ ba lần (vào các năm 1898, 1900 và 1902) . Có lẽ người Châu Âu đã liên tưởng con vật này giống như con rồng châu Á, loài vật huyền thoại được tôn sùng trong văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa các nước đồng văn hóa châu Á nói chung. Bên cạnh những truyền thuyết của Việt Nam về Rồng Mẹ và Rồng Con đáp xuống khu vực vịnh đảo vùng Đông Bắc này, sự xuất hiện con vật lạ hiện hữu như rồng trong thực tại, có thể đã trở thành các lý do khiến vùng biển đảo Quảng Ninh được người Pháp gọi bằng cái tên vịnh Hạ Long từ đó và phổ biến đến ngày nay .
“Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần phía tây Vịnh Bắc Bộ và phía tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km. Vịnh có tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông).
Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo bởi địa danh này chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, với nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa huyền bí... Nơi đây còn gắn liền với những giá trị văn hóa – lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình Carxto bào mòn, phong hoá gần như hoàn toàn tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới.Hàng trăm đảo đá, mỗi đảo mang một hình dáng khác nhau hết sức sinh động: hòn Đầu Người, hòn Rồng, hòn Lã Vọng, hòn Cánh Buồm, hòn Gà Chọi (hoặc còn gọi Trống Mái), hòn Lư Hương...
Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp gắn với nhiều truyền thuyết thần kỳ như động Thiên Cung, động Sửng Sốt, động Tam Cung, hang Đầu Gỗ,hang Trinh Nữ, hang Luồn... Đó coi như là những cung điện, lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian.
Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là "kỳ quan đất dựng giữa trời cao”.
Vịnh Hạ Long là kết quả của quá trình tiến hoá địa chất lâu dài. Du khách đến vịnh Hạ Long không chỉ đến với kỳ quan của thế giới mà còn đến với một bảo tàng địa chất quý giá được gìn giữ ngoài trời đến 300 triệu năm. Những hang động chính là bằng chứng sinh động về quá trình xâm thực của nước biển, nước mưa qua các tầng địa chất. Môi trường địa chất vịnh Hạ Long còn là nền tảng phát sinh các giá trị khác như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác.
Năm 1962 Bộ Văn hóa - Thông tin (Việt Nam) đã xếp hạng vịnh Hạ Long là di tích danh thắng cấp quốc gia. 
Ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mĩ, theo tiêu chuẩn của Công ước quốc tế về bảo vệ tự nhiên và văn hóa thế giới. Ngày 2/12/2000, tại Hội nghị lần thứ 24 tại thành phố Cairns, Queensland, Úc, Hội đồng Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo.

Qua hai ngày du ngoạn cảnh vật ở vịnh Hạ Long, tuy chưa đi tham quan được nhiều nơi, nhưng chúng tôi rất hài lòng với tinh thần phục vụ du lịch khá chu đáo của ngành du lịch Hạ Long. Đồng thời chúng tôi cảm thấy rất thú vị! Thật là tuyệt vời! Thật đáng tự hào cho đất nước Việt Nam có một vùng biển đảo xinh đẹp, hùng vĩ, kỳ diệu như vậy! Và dân chúng toàn cầu đã sáng suốt bầu chọn vịnh Hạ Long được đứng vào hàng những kỳ quan mới của thế giới. Chúng ta những người con của đất nước Việt càng thêm tự hào về sự vinh danh đó thì càng phải lo chăm sóc giữ gìn, bảo vệ và phát triển để làm sao cho xứng đáng với danh nghĩa đó.
                                 Hà Nội ngày 12/8/2013.

Không có nhận xét nào: