Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

TẤM LÒNG BÁC ÁI CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ...

       TẤM LÒNG BÁC ÁI HIẾM CÓ CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ
                          Nguyễn Hồng Trân (sưu tầm và giới thiệu)
Trong cuộc đời của tôi hơn 70 năm rồi, đã trải qua nhiều nỗi thăng trầm biến cố trong xã hội thời chiến cũng như thời bình, tôi đã được gặp, được biết nhiều người hiền hậu, tử tế và giàu lòng nhân ái, nhưng rất hiếm người có một tấm lòng bác ái như nữ nghệ sĩ Nghệ thuật cải lương -Kim Cương.
Nhiều người đã biết nữ nghệ sĩ Kim Cương rất tích cực tham gia công tác từ thiện nhiều năm ở nhiều nơi trong các vùng dân cư từ đô thị đến thôn quê với một tinh thần tình cảm thương dân thực sự. Chuyện làm từ thiện thì không thiếu gì tấm gương đã hết lòng hết sức và cả tiền của giúp cho người nghèo, người tàn tật, người già cô đơn và cả những người không nơi nương tựa. Đối với nghệ sĩ Kim Cương, không chỉ làm được như thế mà bà còn vượt ra xa ngoài sự tưởng tượng của chúng ta về tấm lòng bác ái. Thật là cảm động! Thật là hiếm có!
Sau đây, tôi xin nêu ra một trường hợp điển hình về tấm lòng bác ái đó của nghệ sĩ Kim Cương qua một câu chuyện thực: “MỐI TÌNH ĐƠN PHƯƠNG CỦA NHÀ THƠ BÙI GIÁNG VỚI NỮ NGHỆ SĨ KIM CƯƠNG”.

Nhà thơ Bùi Giáng(sinh năm 1926), không vợ con và đã đơn phương yêu say đắm nữ nghệ sĩ Kim Cương, mặc dù bà ta đã có chồng con. Nhiều lần Bùi Giáng đã thổ lộ tình cảm của mình với Kim Cương, nhưng Kim Cương không chấp nhận. Bùi Giang đã si tình với Kim Cương rồi mắc bệnh tâm thần. Ông đi lang thang khắp nơi rồi quay về tìm nhà Kim Cương để được gặp mặt, làm thơ…
Sau một thời gian bệnh nặng, Bùi Giáng đã từ trần (năm 1998), để lại cho bà con, bạn bè, thân thuộc niềm đau thương, luyến tiếc cho số phận một con người-một nhà thơ, nhà dịch thuật, nghiên cứu văn học Việt Nam…
Nhà văn Hoàng Kim đã kể lại như sau:
Trước mộ ông trước giờ hạ huyệt, Kim Cương nhẹ nhàng thủ thỉ : “Thưa ông Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi.
Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông:
Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời.
Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất.
Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống”.
Nhưng chắc gì Bùi Giáng đã chịu xa lìa Kim Cương. Ông còn một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay tại nhà Kim Cương:
“Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương”.
Và:
Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ."

Chuyện tình không bao giờ tiết lộ
Cõi đời một kiếp yêu em
Dẫu là bỏ cuộc, mộng tìm dáng xưa
Bùi Giáng (1926-1998): là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là : Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ…
Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa Nguồn.
Kỳ nữ Kim Cương: chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, trong tâm hồn và trong sáng tác của Bùi Giáng. Trong tâm hồn ông, Kim Cương là “đệ nhất mỹ nhân” trong thiên hạ. Ông yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng nhất thế gian. Chỉ có thể nói đó là một tình yêu bất tử. Đã có rất nhiều giai thoại xung quanh mối tình kỳ bí này.
Đối với Kim Cương, tuy là mối tình đơn phương từ phía Bùi Giáng, nhưng nữ nghệ sĩ này đã rất trân trọng tình yêu của ông, một sự trân trọng vô cùng cảm động và hiếm thấy.
Nhiều năm qua, nghệ sĩ Kim Cương có những lý do riêng nên đã không lên tiếng một cách chính thức. Lần đầu tiên, bà tiết lộ với báo chí một số sự thật về thiên tình sử này, vì đã đến lúc bà không còn lý do để tiếp tục im lặng nữa…   
Có lẽ trong cuộc đời của thi sĩ Bùi Giáng, ngoài chuyện văn chương ra thì chuyện tình đơn phương của ông với Kim Cương là nổi bật nhất, kỳ lạ nhất, và cũng cảm động nhất.
Kim Cương còn giữ rất nhiều bài thơ của ông viết tặng riêng bà, cả hình ảnh nữa, nhưng từ lâu bà từ chối mọi lời yêu cầu của các tờ báo, nhà xuất bản xin được phát hành, đặc biệt sau khi Bùi Giáng qua đời nhiều đơn vị còn đặt vấn đề “mua” những tấm ảnh, tập thơ đó. Bà nói : “Tôi không muốn đem tình cảm của Bùi Giáng ra đánh bóng tên tuổi của mình hoặc làm gì đó có dấu ấn kinh doanh. Dù tôi không yêu ông, nhưng tôi trân trọng tình yêu của ông. Tuy nhiên, bây giờ sau loạt bài của báo TN, tôi thấy đây không còn là chuyện riêng tư nữa, mà Bùi Giáng là một sự kiện văn học chung và nếu không lên tiếng thì có những thêu dệt không đẹp cho Bùi Giáng, vì vậy tôi chỉ muốn nói rõ một vài sự thật để người ta hiểu ông đúng hơn”.
Kim Cương biết Bùi Giáng lúc bà khoảng 19 tuổi, còn theo đoàn cải lương của má Bảy Nam nhưng Kim Cương đã được mệnh danh là “kỳ nữ”. Thật ra, ông chú ý đến bà trong một đám cưới của đôi bạn Hạnh – Thùy. Sau đám cưới, một hôm Thùy bảo Kim Cương : “Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị”.Kim Cương trả lời : “Ừ, thì mời ổng tới”.
Hóa ra là Bùi Giáng, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có “điên điên” như sau này. Bùi Giáng lui tới, mời Kim Cương lên xe đạp ông chở đi chơi, rồi cả cầu hôn, nhưng bà đều né tránh. Bởi sau vài lần tiếp xúc, bà thấy ở ông toát lên cái gì đó “kỳ kỳ”, bất bình thường, nên bà sợ. Đeo đuổi mãi không được, Bùi Giáng thở dài nói : “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn Kim Cương mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”. Kim Cương ngần ngừ: “Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính…”.
Ý bà muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới.
Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới… 8 tuổi. Kim Cương hết hồn. Thôi rồi ! Ổng đúng là không bình thường !
Từ đó, mỗi năm Bùi Giáng bệnh nặng hơn. Ông không có vợ con, suốt ngày đi lang thang ngoài đường, hò hét, rồi cứ địa chỉ nhà Kim Cương mà tới. Thằng bé Toro con của Kim Cương lúc ấy khoảng 5 tuổi, thường trố mắt ra nhìn ông, và hỏi : “Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá ?”. Tư duy trẻ con thật ngộ nghĩnh, nhưng lại rất chính xác. Thì trên người Bùi Giáng có đeo đủ thứ: nào hộp lon treo lủng lẳng, nào lá cờ giắt sau lưng, nào nhánh cây, vòng hoa trên đầu… cả một nải chuối đeo thường xuyên trên cổ… Không mở cửa cho ông vào là ông la hét, đập cửa, chửi um sùm, ném đá nữa, khiến hàng xóm náo động. Nhưng cứ riết thế rồi quen. Mỗi lần ông tới nhà Kim Cương ai nấy đều cười. Má Bảy Nam ở trên lầu chỉ cần nghe kêu la rùm beng, đập cửa ầm ầm, là bà hỏi : “Bùi Giáng phải không ?”.
Nhiều lần ông say khướt, nằm ịch xuống gốc cây trước nhà Kim Cương, mọi người phải khiêng vào. Bà Kim lắc đầu : “Sợ ổng chết. Tướng tá vầy có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng khiêng vô rồi, cũng sợ rủi ổng chết trong nhà mình thì cũng gay. Mà điều, không nỡ bỏ ổng lăn lóc ngoài đường, thấy tội quá”.
Nhưng điều hay nhất là mỗi khi vô nhà Kim Cương ông lại sáng tác thơ để tặng bà. Tiện tay xé bất cứ tờ giấy, tờ lịch nào là ông viết ào vô đó. Nguồn thơ yêu cứ tuôn trào như suối, không vơi cạn theo năm tháng. Về sau, khi ông “quậy” quá thì Kim Cương nghĩ ra cách, không mở cửa, mà chuồi một cuốn sổ ra khe cửa cho ông viết thơ. Ông hí hoáy một hồi, rồi vui vẻ bước đi.
Suốt 40 năm, cả chục cuốn sổ tay đã đầy ắp chữ của ông, chỉ riêng tặng “Nương tử Kim Cương”. Bà trân trọng gìn giữ trong ngăn tủ. Những vần thơ yêu với nét chữ ngả nghiêng chệnh choạng nhưng hồn nhiên say đắm lạ kỳ.
Kính thưa nương tử Kim Cương
Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên
Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
Kể từ sử lịch xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em
Lang thang vạn dặm độc hành
Cẩm nang bỏ cuộc đời mình trao em.
                    ==0==
         “Quyền lực” của Kim Cương đối với Bùi Giáng
Phải nói là Kim Cương có “quyền lực” rất lớn đối với Bùi Giáng. Cứ nghe tên bà là ông trở lại ngoan ngoãn như một đứa trẻ con. Một lần, ông làm “chim bay cò bay” giữa phố, gây ách tắc giao thông, công an tới lôi ông vào cũng không được. Tình cờ có ông nhà báo trông thấy, thế là anh ta rỉ tai ông : “Kim Cương nhắn ông tới nhà kìa !”. Lập tức ông riu ríu đi theo nhà báo.
Ông còn “ái mộ” bà theo kiểu “kinh khủng” của ông. Người ta ái mộ thì xin chữ ký, xin hình, còn ông thì xin… quần. Ông tới nhà nằng nặc đòi bà cho ông cái quần. Bà lấy quần của cậu Toro nay đã lớn cỡ ông mặc vừa. Ông giãy nảy không chịu, đòi cái quần của Kim Cương mới được. Bà bực quá, đưa thiệt. Lập tức ông mặc vô và rồi không chịu thay ra. Tắm xong, mặc lại. Tỉnh bơ.
Và sau này khi ông ở nhờ nhà anh Hoài – cháu gọi ông bằng bác họ – tại Gò Vấp, thì cũng chỉ Kim Cương là người phụ nữ duy nhất được ông cho phép bước vào nhà. Nhiều lần, các bạn thơ nữ có ghé thăm ông, nhưng vừa mới nghe cháu vô báo tin là ông đã la hét om sòm, đuổi họ như đuổi tà : “Chỉ có tiên nữ Kim Cương mới được bước tới đây. Đi ra ! Đi ra hết !”.
Nghệ sĩ Kim Cương nói : “Tôi rất trân trọng tài năng của ông, nhưng phải nói thật là ông điên nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc”. Thỉnh thoảng, khi ông hơi tỉnh thì Kim Cương cũng ngồi bàn chuyện thơ văn với ông cho ông vui. Những lúc ấy, ông gọi bà bằng “cô” đàng hoàng chứ không “nương tử”, không “Hằng Nga” gì hết. Nhưng có một lần, ông làm bà hết hồn. Hai người bàn luận đến Kiều, bà đọc mấy câu lỡ có sai một chút, ông liền đập bàn, la hét, nhảy dựng lên : “Tại sao Kiều mà cô nói sai như vậy ? Câu vậy mà cô nói là của Kiều hả ?”. Thấy ông trợn mắt giận dữ, bà cứ ngỡ ông sắp bóp cổ mình tới nơi. Bà quên mất rằng ông cũng yêu Kiều say đắm như yêu bà.
Có một chuyện nhỏ, nhưng cảm động. Kim Cương nói rằng Bùi Giáng có đóng phim gì nữa đó, chắc đóng vai phụ nho nhỏ thôi. Kim Cương nhớ khi ông lãnh tiền thù lao, liền mua hai trái xoài đem tới cho bà. Rất dễ thương.
Kim Cương bùi ngùi nhớ lại : “Suốt 40 năm, ông đối với tôi như một người yêu đơn phương, thì ngược lại, tôi đối với ông như chỗ dựa tinh thần, bất cứ lúc nào nghe ông đau ốm hay bị công an bắt, bị người ta đánh là tôi có mặt”. Bởi đơn giản, trong đầu Bùi Giáng chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa chỉ duy nhất, đó là địa chỉ và số điện thoại của Kim Cương. Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay la hét, làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu : “Người thân cuả tôi là Kim Cương, ở số… Hoàng Diệu, điện thoại 844…”. Thế là công an réo gọi Kim Cương. Bà đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông bị té, bị thương, người ta chở vô bệnh viện, ông cũng chỉ “khai báo” y như vậy.
Bệnh viện lại réo bà. Bà lại đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, bị người ta đánh, bà lại đến đưa ông về. Có lần, ông xuất hiện trước nhà bà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh, bà hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu. Ông không chịu : “Chừng nào cô đi với tôi thì tôi mới đi”. Ừ, thì đi. Kim Cương gọi chiếc xích lô chở ông, vừa ngồi xe ông vừa nói vung vít, mặc cho Kim Cương chịu trận.
Và như thường lệ, trong cơn điên điên tỉnh tỉnh, ông lại tiếp tục làm thơ yêu qua cuốn sổ nhỏ nhét vào khe cửa nhà bà :
Yêu nhau từ bấy tới nay
Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
Thưa em nương tử dịu mềm
Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên
Đầu tiên tiên nữ Kim Cương
Cuối cùng muôn một phi thường Cương Kim
Cúi đầu bái tạ tình em
Về sau vĩnh viễn êm đềm thương nhau
Làm thơ tiếp tục yêu em
Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
Kể từ lịch kiếp long đong
Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ
Bùi Giáng về ở nhà của anh Hoài vào khoảng năm 1978, thì đến khoảng 1992 đã hơi tỉnh tỉnh. Nhà thơ Trụ Vũ thường ghé chơi với ông. Một lần Trụ Vũ bảo : “Kim Cương hẹn ngày mai lên thăm anh”. Thế là suốt đêm ông không ngủ. Sáng dậy, ông đi tới đi lui, đứng ngồi không yên, và càu nhàu : “Cái thằng Trụ Vũ, chừng nào lên thì lên, nhắn nhe làm chi cho người ta sốt ruột”.
Anh Hoài còn tiết lộ ông phải giả vờ uống một tí rượu để đóng vai “say”, như thế khi Kim Cương lên thăm ông mới có cớ đi ngả nghiêng cho Kim Cương dìu đỡ. Nhưng có lần uống mãi, uống mãi, rồi say thật lúc nào chả biết, khi Kim Cương đến nơi thì ông đã… ngủ khò. Một bữa, Kim Cương đến nhà, tặng ông đóa hoa hồng. Ông sung sướng quá. Kim Cương về rồi, ông hỏi anh Hoài : “Làm sao giữ được hoa tươi mãi hè ?”. “Ba ngày là nó héo thôi bác ơi!”. “Trời ơi, của Kim Cương tặng tao, phải giữ hoài chớ bây !”. “Con có cách. Đem hoa trút ngược xuống thì sẽ giữ giùm bác được vài tháng”. Đúng là giữ được vài tháng, đến khi hoa đã khô nát ông mới đành lòng chia tay.
Gần 60 tuổi, ông tới nhà bà với đôi mắt nheo nheo không nhìn thấy rõ. Bà dắt ông đi mua cặp kính lão. Nhưng chỉ một tháng sau, ông xuất hiện với một bên tròng kính bị bể vì người ta đánh. Bà dỗ ngọt : “Tôi mua cho anh kính mới nghen”. Ông lắc đầu: “Thôi cô, nhìn đời bằng một con mắt đủ rồi".
Kể ra, đâu chỉ có Bùi Giáng kiên nhẫn và thủy chung với kỳ nữ Kim Cương, mà chính Kim Cương cũng đã đáp lại mối tình đơn phương của Bùi Giáng một cách chân thành và kiên nhẫn, thủy chung suốt 40 năm, gần giống một người chị, một người mẹ. Cho nên, có người nói với bà : “Chắc kiếp trước Bùi Giáng mắc nợ bà!”. Bà đáp vui trở lại: “Hổng biết ổng mắc nợ tui hay tui mắc nợ ổng!”. Những lúc tỉnh táo, ông nói: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!”. Nhân đó bạn bè hỏi: “Kim Cương có cái gì mà anh thương dữ vậy ?”.
Ông đáp : “Lúc tôi gặp cô trong đám cưới của Hạnh – Thùy, cô mặc cái áo dài lụa trắng, tôi thấy hào quang tỏa tỏa ra, tới bây giờ vẫn còn tỏa”.
15 ngày trước khi chết, Bùi Giáng đến nhà Kim Cương để lại mấy câu thơ như báo trước điềm chia ly:
Thương yêu có lẽ như là
Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương
Ta đi đau xiết vui buồn
Một mình ở lại muôn trùng em yêu.
Rồi ông té, chấn thương sọ não, chở vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Người đầu tiên gia đình gọi đến là Kim Cương. Kim Cương nói: “Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng sạch sẽ. Đầu cạo sạch, không còn mớ tóc bù xù nữa. Và quần áo bệnh viện thì trắng bong. Cho nên tôi nhìn ổng không ra, cứ chạy đôn chạy đáo khắp các phòng tìm ổng”. Những đứa cháu xin bà cho ý kiến. Bà đồng ý để bác sĩ phẫu thuật cho ông dù chỉ còn 1% hy vọng.
Nhưng rồi Bùi Giáng đã ra đi.
                                                   Hoàng Kim
                                             ==00==
Ghi chú:Phần nhà văn Hoàng Kim kể lại được trích từ bài Tình sử của nhà thơ Bùi Giáng và nghệ sĩ Kim Cương của tác giả Hoàng Kim đã đăng trên trang Web của Hội nhà Văn TP. HCM.


Không có nhận xét nào: