Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

           VỀ MỘT TỜ CHIẾU THOÁI VỊ CỦA VUA BẢO ĐẠI
                   Nguyễn Hồng Trân (sưu tầm và giới thiệu)     
Đây là là tờ chiếu quan trọng của vua Bảo Đại đã đọc lúc thoái vị tại quảng trường trước cửa Ngọ Môn ở Kinh thành Huế vào chiều 30 tháng 8 năm 1945. Buổi lễ nhà vua thoái vị chiều hôm đó có Đoàn Đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Đoàn gồm có các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy cận, Lê Văn Hiến… Trưởng đoàn là ông Trần Huy Liệu- Nhà Sử học Việt Nam.
Trong giờ phút long trọng của buổi lễ, cờ vàng Quẻ Ly của triều đình hạ xuống, cờ đỏ sao vàng Chính phủ Cách mạng lâm thời được kéo lên tung bay trong gió chiều lộng mát trước hàng vạn đồng bào đến dự lễ. Buổi lễ bắt đầu. Ông Trần Huy Liệu tuyên bố lý do buổi lễ thoái vị của nhà vua và đọc Quyết định của Chính phủ Cách mạng lâm thời đến tiếp nhận. Mấy phát súng lệnh ầm vang cả đô thành để chào mừng buổi lễ. Vua Bảo Đại mặc bộ hoàng bào và đội khăn vành vàng ngồi vui vẻ đàng hoàng và chỉ thị cho ông Nguyễn Duy Quang(thư ký thượng hạng của nhà vua) đưa khay đựng ấn –kiếm nhà vua để ngài sờ vào, xem lại lần cuối rồi sai ông Quang trao lại cho ông Trưởng đoàn Trần Huy Liệu. Sau đó vua Bảo Đại đọc tờ chiếu thoái vị một cách trang trọng, xúc động…
          Toàn văn của tờ chiếu đó như sau:

                   VIỆTNAM HOÀNG ĐẾ BAN CHIẾU
(Cho quốc dân khi nhà vua thoái vị)

          -Hạnh phúc của dân Việt Nam!
          -Độc lập của nước Việt Nam!.
Muốn đạt mục đích ấy, trẫm đã tuyên bố: Trẫm sẵn sàng hy sinh hết mọi phương diện, và cũng vì phương diện ấy nên trẫm muốn sự hy sinh của trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.
          Xét thấy điều bổ ích cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết quốc dân, trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng: trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.
          Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện cho người lợi dụng.
          Cho nên mặc dầu trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao liệt thánh, vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hóa tới Hà Tiên.
          Mặc dầu trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng trẫm muốn, trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho  một Chính phủ dân- chủ cộng- hòa.
          Trong khi trao quyền cho chính phủ mới, trẫm chỉ mong ước có ba điều này:
          1/-Đối với Tông-Miếu và Lăng Tẩm của Liệt-Thánh, chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.
          2/-Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia, nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, Trẫm mong Chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hòa mà xử trí để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ dân chủ cộng- hòa nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
          3/-Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết cả các giai cấp, các đảng phái, cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập của đất nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến trẫm và Hoàng-gia mà sinh chia rẽ.
          Còn về phần trẫm, sau 20 năm ngai vàng, bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của trẫm hay của Hoàng Gia mà lung lạc quốc dân nữa.
           Việt Nam độc lập muôn năm!
          Dân chủ Cộng hòa muôn năm!
                                    ***
Sau khi đọc tờ chiếu thoái vị cũng là lời phát biểu chính thức của ông vua Nhà Nguyễn cuối cùng này, mọi người trong buổi lễ rất cảm động và đồng thanh hô to:
          -Hoan hô nhà vua thoái vị!
-Việt Nam độc lập muôn năm!
-Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!
Sau đó Ngài Bảo Đại vui cười và đề nghị Đoàn Đại diện của Chính phủ tặng cho Ngài một vật kỷ niệm. Lúc ấy ông Trần Huy Liệu rất lúng túng, vì lúc Chính phủ cử ông vào làm chủ lễ tiếp nhận thoái vị của vua Bảo Đại thì không nghĩ đến chuyện này. Do đó chẳng có gì để kỷ niệm xứng đáng cho nhà vua cả. Ông Liệu đang băn khoăn và lo lắng thì ông Cù Huy Cận rất nhanh trí đến trình với ông Liệu là sẽ lấy “Huy hiệu cờ đỏ sao vàng” tặng cho cựu hoàng. Ông Liệu tán thành và tuyên bố ông Cù Huy Cận đến trao tặng Huy hiệu cho cựu hoàng. Ông Cận nói: “Đoàn Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam xin trao tặng người công dân Vĩnh Thụy vật lưu niệm nhỏ này. Đề nghị đồng bào hoan hô!”.
Thế là mọi người hoan hô ầm vang…
Buổi lễ cũng kết thúc.
Cựu hoàng Bảo Đại xuống lầu Ngũ Phụng, cởi hết quần áo hoàng bào nhà vua rồi mặc bộ vét tông, lên xe do cụ Nguyễn Như Đào (lái xe riêng cho nhà vua cũ) đưa ông Vĩnh Thụy về Cung An Định sống với gia đình.
Vậy là chiều tối ngày 30-8-1945, đã chính thức chấm dứt chế độ quân chủ lâu đời ở Việt Nam và một trang sử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2-9-1945.
                                             ===00===  
Ghi chú: tờ chiếu nêu trên đã ghi rõ:
Khâm thử
Phụng ngự ký: “Bảo Đại”
Ban chiếu tại lầu Kiến Trung, ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20 (25 tháng 8 năm 1945)
Số hiệu: 1871 –GT.
Ngự tiền Văn phòng cung lục
Dấu ngự tiền văn phòng
==0==
(Cứ liệu này trích trong phần phụ lục cuốn “Một cơn gió bụi” của Lệ Thần Trần Trọng Kim.NXB VS. 1969)                                                    

Không có nhận xét nào: