Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

               VỊ TỔNG THỐNG MỸ GIÀU LÒNG NHÂN ÁI

(Nguyễn Hồng Trân-cựu GV Đại học Khoa học Huế
-sưu tầm và giới thiệu)
Tổng thống Thomas Jefferson là vị Tổng thống thứ 3 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (từ năm 1801 đến năm1809). Ông sinh năm 1743 và mất năm 1826. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức quý tộc. Ông tốt nghiệp cử nhân luật nhưng ông không muốn chuyên sâu vào ngành luật mà thích theo ngành văn chương sẽ tự do hơn và về sau ông trở thành một nhà văn nổi tiếng, đồng thời cũng là một nhà hoạt động chính trị có uy tín. Ông là tác giả chính của bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 Trong bản Tuyên ngôn độc lập này có một câu đầy ý nghĩa và giá trị về nhân văn:
…All Men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty, and the pursuit of Happiness…”
Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền hiển nhiên không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
   (Trích bản Tuyên ngôn độc lập ngày 4 tháng 7,năm 1776 của Hoa Kỳ)
Chính câu này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chứng trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9 năm 1945.
Thomas Jefferson là người sáng lập ra đảng Dân chủ ở Mỹ. Ông có đặc tính không ưa phô trương mình với mọi người. Ông không thích phát biểu dài dòng trước công chúng về những thành tích lãnh đạo của mình đối với đất nước và thường tránh đọc diễn văn ở nơi công cộng. Ngài cũng không ưa đem vợ đi theo trong những cuộc tiếp xúc ngoại giao về chính trị xã hội. Ông nghĩ rằng như thế sẽ thuận lợi cho vị thế ứng xử của Tổng thống hơn. Ngoài ra, Thomas Jefferson cũng được xem là một trong những tổng thống nghèo nhất của Mỹ. Ông có tiếng là người liêm khiết, không tham tiền của và danh vọng. Ông phải vay nợ trong suốt cuộc đời mình để giúp cho các tổ chức từ thiện của xã hội và đồng thời cũng để trả dần món nợ của bố vợ ông đã để lại cho ông gánh chịu phải trả thay.   
Sau khi ông chết, bất động sản của Tổng thống này được đấu giá để trả hết phần chịu nợ của ông. Người con gái ông lúc bấy giờ phải sống dựa vào trợ cấp từ một quỹ từ thiện của xã hội.
Cuộc đời một Tổng thống của một cường quốc Hoa Kỳ ngày xưa như thế đấy! Ông ta coi trọng danh dự và uy tín của người lãnh đạo đất nước mà không bao giờ bị cám dỗ trước một thế lực tiền tài và mỹ nhân kế nào cả! Dù ông có nghèo tiền, nghèo của nhưng cả nước Mỹ đều quý ông và luôn ngưỡng mộ ông suốt đời vì ông rất giàu lòng nhân ái và tình nghĩa.
   

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

         CÁI NHÌN TƯƠI XINH
Thiếu nữ nhìn ai dáng đẹp xinh?
Tươi cười rạng rỡ mắt đa tình
Ước mơ sâu thẳm đang bừng dậy
Kỳ vọng tràn đầy vẫn lặng thinh
Kẻ đến say nhìn như lạc mệnh
Người đi mơ thấy tưởng hồi sinh
Mắt em trong sáng như chờ đón
Ai sẽ là người được hạnh vinh?...
                           Nguyễn Hồng Trân
                  

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

NHỚ MÃI VỀ BÀ CỤ CỐ NỘI ...

NHỚ MÃI VỀ BÀ CỤ CỐ NỘI TÔI-LÊ THỊ HOẰNG
(Trích Hồi Ký “DÒNG ĐỜI TÔI” của Nguyễn Hồng Trân)

 Tôi còn nhớ, hằng năm cứ đến ngày kị giỗ cụ cố ông Nguyễn Bá Chước ( thường gọi là cụ Tú, vì cụ đỗ Tú tài Hán học thời xưa) như một ngày hội lớn ở xóm làng. Người cứ tấp nập ngoài đường, trong nhà, trước sân, sau vườn bà Tú đâu đâu cũng thấy râm ran những lời nói, tiếng cười khi chuyện trò vui vẻ. Khu nhà vườn của bà trở nên tưng bừng náo nhiệt khác thường.
     Ngôi nhà chính của bà là một nhà rường 5 gian khang trang bằng gỗ tốt. Mái nhà lợp ngói liệt màu nâu thẫm. Cố nội tôi ở nhà này tại gian cuối sát nhà dưới. Các gian còn lại để thờ tự. Phía trước nhà là cái sân lát gạch vuông rộng thênh thang tiếp giáp với hai hàng hóp hoàng ry thẳng tắp phía trước như hai bức tường gắn liền với cổng. Phía dãy đất dưới gốc có hàng hoa địa lan màu hồng thắm. Cổng nhà xây bằng gạch, trên lợp mái ngói, dưới có trần gỗ. Mặt trong cổng có 2 cánh cửa dày chắc nịch bằng gỗ tốt.
     Phiá sau ngôi nhà là vườn tược rộng rải, cây lá xanh tươi, trái quả 4 mùa đều có cả. Nào cam, quýt, bưởi, bòng; nào là chuối, dâu, cau, vải; nào là mít ổi, bồ quân v.v... Đặc biệt là có 2 cây vải cao to, trái không sai nhưng ngọt và mấy cây dâu dất thì trái ra từng chuỗi dày đặc từ dưới đất lên trên, ta nhìn rất thích mắt nhưng ăn thì vị chua lè. Mấy cây vả cũng vậy, trái chi chít không thấy gốc, bẻ hái cắt lát ra chắm với muối ớt ăn vả có vị chát chát, mặn mặn cũng hay hay cái lưỡi; cũng đỡ cuộn sôi cái dạ dày khi bụng đói.
     Phía sau xung quanh vườn là dứa thơm, cau, trúc, tre lồ ô, cán dáo xanh tốt thi nhau lung lay trong gió, nhưng không sánh được với cái âm thanh lao xao, rào rào của những cành cau, tàu dừa khi gió Nam, nồm thổi đến. Sau cùng vườn là dãy cây mưng, cây sanh, cây cừa nằm vắt vẻo bên bờ khe suối nhỏ. Cành lá um tùm vươn ra khe như che nắng cho dòng nước mát nhẹ nhàng trôi đi khi nắng hè tới.
     Đặc biệt là có một cây sung lớn nghiêng ngả cả thân cành sang tận bên kia bờ suối. Bọn trẻ chúng tôi thường leo trèo, đi lại qua khe như chiếc cầu tự nhiên để lui tới, chơi bời như câu cá, bẫy chim, bắt rế v.v... Còn có một chiếc cầu tre cách nhà bà cố nội tôi không xa lắm. Cầu này gần nhà ông bà Cửu Chinh. Nhà ông bà Cửu Chinh cũng nhà rường 5 gian, rồi đến nhà của ông bà Quýnh, đến nhà bà cố tôi và cuối cùng là nhà của ông bà nội tôi cũng là nhà rường 5 gian rộng rãi. Tất cả các ngôi nhà ở đây đều xây mặt về hướng Nam nhìn ra cánh đồng Ba Trừ. Cánh đồng này về mùa hè người nông dân ở đây chỉ làm lúa vại mà thôi vì không đủ nước. Do đó thu hoặch mùa màng cũng thấp kém (chỉ hơn tạ một sào mà thôi).  Nhất là về mùa nắng nóng, có những năm khô hạn ruộng đồng nứt nẻ, thiếu nước cho sinh hoạt đời sống dân làng. Cũng may mà trời cho các vị khai canh, khai khẩn của làng đã sớm tinh mắt nhìn thấy mấy cái giếng nước tự nhiên tuôn trào ra êm ả cả ngày đêm dòng nước mát trong và không bao giờ khô cạn. Đó là giếng ông Dưng(xóm An Lạc), giếng mụ Vãn( xóm Bớc),  Giếng Đá (xóm lý Sơn), sau này có thêm giếng mụ Cửu Nghĩa, mụ Thông (chân đồi nương Hóa). Nhất là giếng ông Dưng, giếng mụ Vãn, mạch chảy khá mạnh, nước trong veo mát rượi. Vào những buổi trưa hè nắng nóng, ai đi ngang qua đây cũng muốn dừng chân lại nghỉ ngơi, rửa tay chân ngoài bờ giếng rồi dùng hai bàn tay bụm kín lại múc nước lên hoặc dùng nón lá nhấn xuống cho nước thẩm thấu vào trong rồi bưng lên, cúi đầu xuống uống một hơi cho đã khát. Tôi, chú Duy, chú Triêm(con ông bà Quýnh), anh Cam(con bác Liễu), anh Mẫn (con ông Nậu) cũng thích uống nước giếng kiểu như thế. 
     Vào buổi chiều tối, mấy đứa trẻ chúng tôi lại hay rủ nhau đi tắm nước giếng ông Dưng rồi ngồi quanh giếng và chuyện trò với nhau rôm rả. Nơi đây là một tụ điểm đầy kỷ niệm thời niên thiếu của chúng tôi. Bà cố nội tôi cũng thích tắm nước giếng ông Dưng lắm. Bà hay sai người đi gánh nước về đổ vào lu sau buồng tắm để bà tắm. Hồi đó, các con gái của bà như bà Diệm, Đệ, Đăng, Hồng, mặc dù đã đi lấy chồng sang làng khác nhưng thường hay đến thăm bà và lo chăm sóc chuyện tắm gội, giặt giũ quần áo cho bà. Còn hàng ngày thì đã có o Thất (con mụ Tần người Triệu Phong) lo vệ sinh, nội trợ.
     Bà cố nội tôi rất anh minh, thông thái. Bà đọc hiểu chữ Hán-Nôm và nhớ được nhiều chuyện cổ kim bên Tàu, bên ta. Bà thường kể cho cháu, chắt nghe nhiều chuyện thật thú vị. Bà rất thương tôi và cưng quý tôi lắm. Vì bà rất thương ba tôi (Nguyễn Chương) do bị mồ côi mẹ lúc mới sinh. Bà phải thuê vú về nuôi ba tôi khi mới lọt lòng mẹ, chỉ nặng hơn 2 cân. Thế mà nhờ bà cố tôi hết lòng thương yêu cháu nội và tạo đủ mọi điều kiện để nuôi cho ba tôi được sống khỏe mạnh, trưởng thành và có gia đình con cái, trai gái đầy đủ. Quả thật là chuyện hiếm có trên đời. Cả làng Phú Long ai cũng biết chuyện đó của bà. Bà còn nổi tiếng cả tổng An Thái, huyện Hải Lăng về vài chuyện khác nữa.
     Chuyện thứ nhất là bà được vua Đồng Khánh (năm thứ 1= 1885) chọn người đẹp làm thị nữ với tên gọi là Lưu Ngân  trong cung Nhà nguyễn (đại nội Huế ) hồi con gái mới 14 tuổi. Sau 3 năm, khi vua Đồng Khánh mất, bà được hoài hương về làng Cổ Thành (Triệu Phong, Quảng Trị) rồi lấy chồng, làm vợ kế ông Tú Khánh (tức Chước. vì có kỵ húy vua Đồng Khánh nên đổi lại tên Chước vào năm Đinh Hợi =1887). Ông Nguyễn Bá Chước là một nhà Nho đỗ tú tài năm Tự Đức thứ 30 (1876) và là một thầy thuốc Đông y có tiếng trong huyện. Ông được nhà vua mời đến làm quan ngự y và chữa khỏi bệnh thương hàn cho vua Đồng Khánh nên về sau nhà vua có hứa cho về quê người bạn gái Lê thị Hoằng của ông.
     Chuyện thứ hai nổi tiếng là bà đã làm vợ kế cho một ông thầy thuốc Đông y có tiếng trong triều và được phong thưởng danh vị “Hàn Lâm Viện đãi chiếu” vào năm Thành thái thứ 6 (1894);
     Chuyện thứ ba nổi tiếng sau này là bà đã sinh được 20 người con (đứng thứ nhì trong tỉnh Quảng Trị), nhiều lần bà sinh năm một;
     Chuyện thứ tư là bà có tiếng một phụ nữ giàu có nhất vùng (trâu bò đầy đồng, điền trạch khắp tổng).
     Theo tôi, tất cả những điều nổi tiếng như đã nói trên hồi xưa thì cũng không phải có gì quan trọng lắm, những điều mà cháu, chắt, hậu duệ của bà Hoằng sau này đáng tự hào về bà là tấm gương người đàn bà minh bạch, thương chồng, lo cho chồng, biết nuôi nấng, chăm sóc con cháu; biết cách dạy dỗ con cháu tự lực cánh sinh, học hành thành nghiệp; biết làm ăn lương thiện, làm giàu chính đáng; biết hoạt động vì mục đích ích quốc, lợi dân. Con cháu ruột thịt của bà phần lớn là những người có học thức, biết phụng sự cho Tổ quốc Việt Nam. Có người là cán bộ lãnh đạo có tiếng trong huyện, trong tỉnh như ông Nguyễn Quýnh (chủ tịch huyện Hải Lăng đầu tiên sau ngày Việt Nam độc lập).  Có một số con cháu ruột của bà đã thành liệt sĩ cho Đất nước hòa bình thống nhất như ông Nguyễn Cung Trứ (con trai út), chú Nguyễn Vui (cháu nội), chú Nguyễn Tập (cháu ngoại); Một số cháu chắt nội của bà những nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ rất tâm huyết phụng sự cho Tổ quốc Việt Nam như Nguyễn Mạnh Duy (TSKH cao cấp về điện máy, nguyên Chủ tịch Hội đồng bảo vệ tiến sĩ ngành Điện Việt Nam), cô Nguyễn Thị Ngân Hà (TS về văn học Pháp, GV trường Đại học Ngoại ngữ Huế), Nguyễn Kim Khánh(TS về Công nghệ Thông tin- là GV trường đại học Bách khoa Hà Nội); Nguyễn Xuân Sơn- TS kỹ thuật điện(GV trường ĐHBK Hà Nội); Nguyễn Hồng Trân, nhà nghiên cứu Văn hóa, Lịch sử Việt Nam; ngoài ra còn có  nhiều vị là cử nhân, kỹ sư các ngành nghề  khác.
     Trong những tháng ngày sống gần gũi bên bà, tôi được bà chiều chuộng, thương yêu rất nhiều. Bà hay kể chuyện cho tôi nghe và khuyên giải tôi nhiều điều về lễ độ, phép tắc trong gia đình, với bà con xa gần, với mọi người ngoài xã hội v.v...  Qua đó, tôi cảm thấy ở bà có một cái gì đó cao cả, thiêng liêng mà tôi cần ngoan ngoãn tự giác nghe theo lời bà đã dặn dò chỉ bảo...
     Thỉnh thoảng bà Tú gọi ba mẹ tôi đến để hỏi thăm tình hình công việc và đời sống gia đình. Bà luôn động viên ba tôi hãy nhiệt tình công tác. Ba tôi nói: “Mệ yên tâm, cháu hăng hái công tác lắm, không hề sợ gian nan vất vả đâu, mệ đừng lo. Cháu vào đội tự vệ thôn, tham gia dân quân xã và tập luyện cho họ cũng được lắm. Thấy các đồng đội và bà con thôn xã quý mến là cháu vui rồi”. Nghe vậy, bà mỉm cười yên dạ. Tiếp đó, bà quay sang hỏi chuyện mẹ tôi: “Công việc nuôi tằm kéo tơ của cháu nay đã quen chưa?” . Mẹ tôi đáp: “ Kính thưa mệ, cháu cũng quen dần rồi ạ”. Bà lại nói ngay: “Chịu khó mà làm nghe! Trời không phụ công các con đâu!”.
     Thực ra việc này không khó khăn, vất vả nhưng bận bịu suốt ngày. Phải lo chạy mua đủ dâu cho tằm ăn; phải biết đề phòng cho tằm không bị bệnh tật, bị kiến, ong chích đốt, bị chuột, mối tấn công v.v... Nhất là lúc tằm đến thời kỳ “ăn 5” (tức sang giai đoạn cuối đời tằm). Sức ăn của tằm rất mạnh, phải tốn rất nhiều lượng lá dâu tươi. Mẹ tôi chỉ nuôi 7-9 nong tằm mà chạy đi hái, đi mua dâu tất bật khắp nơi. Có nhiều lần tôi cũng giúp mẹ tôi đi hái dâu, mua dâu dưới  vùng Phường Sắn, bên vùng La Vang, trên làng Như Lệ, Tích Tường, Phước Môn v.v...
     Đến khi tằm chín vàng rượm thì nhanh chóng rải tằm lên những bó nè, cành hóp để chúng kịp thời chăng tơ làm kén tổ. Thấy những con tằm thi nhau múa cái đầu qua lại, lên xuống, dọc ngang nhả tơ xây tổ thật là vui mắt. Tôi liền chạy lên tin cho bà cố nội tôi biết để xuống xem. Bà Tú xuống xem rồi trầm trồ nói: “Người nuôi tằm dày công vất vả, nay tằm nhả tơ vàng đền đáp công lao”. Nghe câu nói hay hay, tôi xin phép cố bà nhắc lại cho tôi chép vào vở để học thuộc. Bà xoa đầu tôi và khen tôi có ý thức học hỏi. Hồi đó tôi đang học lớp nhì. Ngoài việc học văn hóa ra tôi còn luyện tập võ thêm để tăng cường sức khỏe. Tôi chỉ ôn luyện các môn kiếm, côn, quyền đã được học tại Huế trong mấy năm trước (do các thầy chùa dạy võ luyện tập). Thấy tôi múa mấy bài kiếm, bài côn quyền nhanh nhẹn, đẹp mắt, một số bạn thiếu niên trong làng cũng ưa tập theo. Tôi sẵn sàng tập cho họ, trong đó có chú Triêm, anh Cam, bạn Viên, bạn Cừ...
     Tôi còn nhớ đến dịp kỷ niệm đầu tiên ngày Việt Nam độc lập (2-9-1946), Ủy ban xã có tổ chức đêm liên hoan văn nghệ tại sân nhà thờ Nguyễn Hữu Bài ở trên đồi thôn Phước Môn. Hồi đó trong làng tôi có nhiều người đi xem và tham gia diễn văn nghệ như bác Trữ, bác Tiêu (Tuyến), chú Cẩn, chú Duy, chú Đợi, anh Yên, anh Hưng, anh Cam(Căn), anh Mẫn...
     Đêm hôm ấy, bác Trữ, bác Tuyến, chú Cẩn thì diễn kịch và ca nhạc, còn tôi có trình diễn các tiết mục võ thuật như múa độc kiếm, múa song kiếm và múa côn hai đầu có lửa ngọn. Tôi đã biểu diễn thành công và được cán bộ, đồng bào khán giả toàn xã hoan nghênh nhiệt liệt. Đến tận đêm khuya đoàn văn nghệ làng tôi mới trở về nhà. Suốt đêm đó tôi vui sướng không sao ngủ được. Tôi thầm nghĩ bụng: cứ mạnh dạn, nhiệt tình làm điều tốt cho quê hương, cho xã hội thì tuổi thơ của mình sẽ có ích và vinh hạnh.
     Sáng ngày mai, ba tôi và bác trữ kể lại chuyện về thành công mục múa võ (côn, kiếm) của tôi cho bà con và cố nội tôi nghe. Ai cũng khen ngợi, động viên tôi phát huy sở trường tuổi trẻ. Sau đó tôi được cố Tú thưởng cho một chai mật ong và một thẫu nhỏ đường phèn. Trong nhà bà luôn sẵn có trong kho vài lu đường phèn, mấy bồ rơm xếp đầy đường bánh, hàng chục hũ tương, trĩnh nước mắm ngon và rất nhiều chum vại đậu, mè, kê...
        Biết tính ba tôi và tôi hay thích ăn chè kê bà cứ nấu cho ăn hoài. Lần này, ngoài việc bà tặng thưởng cho tôi chai mật và thẫu đường phèn ra bà còn cho tôi đi cùng với bà một chuyến ra chơi thị xã Quảng Trị (vào một ngày cuối thu năm  1946, nhân dịp bà tròn 73 tuổi. Sáng hôm ấy, ba tôi đưa cố bà và bà Diệm (tức bà Thông Liên) cùng tôi sang nhà ông Xạ Sáng (gần nhà thờ La Vang ) để lên xe kéo của cố bà chạy theo đường dốc Nhà Hoa thẳng ra thị xã Quảng Trị. Đến thị xã QT, bà ghé vào thăm nhà ông Bỉnh (cháu ruột của bà) nhà ở sát chợ tỉnh. Sau khi chuyện trò thân mật với ông bà Bỉnh, bà cho xe tiếp tục về cầu Sãi đến Cổ Thành để thăm bà con xóm làng nơi xứ sở của bà. Đến chiều, trời im mát, xe chở mấy bà con chúng tôi về đến đầu cổng nhà thờ La Vang. Đến đây tôi thấy có nhiều người và trẻ con xúm quanh hai linh mục mặc áo dài đen, râu dài đầy cằm, bộ mặt Tây lạ lạ. Lúc đó tôi cũng tò mò ưng đến xem nên liền xin phép cố Tú và bà Diệm được rời xe đến đó coi thử. Cụ cố và bà Diệm đã hiểu được tâm lí trẻ con nên vui vẻ dục tôi đi chơi với tụi bạn và dặn dò tôi nhớ đừng về nhà muộn. Thế là tôi được tự do vui chơi thỏa thích với bạn bè…

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

                TÂM SỰ TUỔI GIÀ
            Nguyễn Hồng Trân(Cựu GV. ĐHKH-Huế)
                     (Kính tặng các cụ già Việt Nam)

Bạn già tâm sự cùng nhau,
Bao nhiêu câu chuyện nguyện cầu bình an.
Sức khỏe quý giá hơn vàng,
Làm sao giữ vững tuổi càng lên cao?
Cuộc đời đã trải gian lao,
Không còn lo sợ khi vào cõi âm.
Ngày nào còn sống trên trần,
Ta vẫn thoải mái tinh thần lạc quan.
Sống cho tử tế đàng hoàng,
Bạn bè quý mến bà con thân tình.
Góp phần xã hội văn minh,
Động viên lớp trẻ nhiệt tình noi theo.
                                 NHT

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

                  CHUYỆN MỘT THỜI TÔI KIÊM NHIỆM
                                                   Nguyễn Hồng Trân
Sau ngày hòa hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam, tôi từ Hà Nội về lại quê hương tiếp tục theo nghề dạy học. Đó là vào năm 1976, được về giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Huế (mới thành lập). Tôi dạy môn “Động hóa học” thuộc bộ môn Hóa Lý, tại khoa Hóa của trường. Hồi đó, các giáo viên, viên chức trong khoa, trong trường rất đông đúc vui vẻ, rộn ràng hăng say công việc trong không khí thoải mái, chan hòa giữa mọi người quen hay lạ mới về sau ngày Bắc Nam sum họp.
Tôi giảng dạy từ năm 1976 đến năm 1982 thì được thầy Hiệu trưởng Hoàng Đức Đạt và Thấy Nguyễn Quốc Lộc (Bí thư Đảng ủy nhà trường) yêu cầu tôi lên làm Giám đốc Thư viện nhà trường thay cho ông Đinh Công Khoách về nghỉ hưu. Lúc đó tôi chẳng vui gì với sự phân nhiệm công việc này. Tôi từ chối vì lý do không có chuyên môn về ngành thư viện. Ban Giám hiệu khuyên tôi về làm kiêm nhiệm một thời gian, sau này sẽ tìm người thay thế. Vậy là tôi đành phải chấp thuận. Sau đó, tôi phải đi học thêm về nghiệp vụ ngắn hạn quản lý Thư viện tại Thư viện Quốc gia và Thư viện Khoa học Kỹ thuật TW Hà Nội. Tôi về làm GĐ thư viện trường 3 năm, 5 năm cũng không thấy nhà trường giữ lời hứa kiếm người thay cho tôi. Tôi đề nghị nhà trường cố tìm người thay cho tôi trở về chuyên giảng dạy chứ không đi làm theo giờ hành chính nữa. BGH nhà trường động viên tôi: “Mấy năm qua anh quản lý thư viện rất tốt, mọi người đều nói rằng anh làm có tinh thần trách nhiệm cao và có cải tiến công tác Thư viện tiến bộ và hiệu quả hơn trước rất nhiều. BGH chúng tôi mong anh cứ tiếp tục làm Quản lý Thư viện, chúng tôi vẫn để cho anh hưởng lương GV như cũ và mọi chế độ nghỉ hè, nghỉ Tết cũng thế. Chúng tôi không để anh thiệt thòi đâu. Anh cố gắng giúp nhà trường khi đang gặp khó khăn thiếu nhân lực điều hành”.
Sau khi nghe các thầy trong BGH đã phần trần đồng viện tôi như thế, tôi cũng không đành lòng khăng khăng từ chối được. Tôi chấp Thuận làm GĐ tại Thư viện này cho đến khi nghỉ hưu (1999).
Trong thời gian 17 năm trời làm quản lý Thư viện, nhờ sự quan tâm của BGH nhà trường, sự giúp đỡ và hợp tác tận tình của các bạn đồng nghiệp như anh Nguyễn Cửu Sà, Tôn Thất Viễn Bào, Nguyễn Duy Hới, Huỳnh Thị Cận, Trần Duy Thanh, Phan Thị Lý, Tạ Thị Lâm, Nguyễn Thị Thu Hà, Trần Thị Khánh, v.v… Đồng thời, tôi đã nỗ lực không hề mệt mỏi để tìm hiểu nâng cao chất lượng phục vụ cho GV và SV có hiệu quả thiết thực. Chúng tôi đã từng bước vận dụng công nghệ thông tin vào một số khâu trong quy trình hoạt động Thư viện; sưu tập được một số bộ tạp chí quý hiếm xưa như bộ “Tri Tân” (gồm 212 tập), bộ BAVH –Tập san những người bạn của Huế xưa(122 tập); Mục lục Châu bản triều Nguyễn (song ngữ Hán-Việt hơn 300 tập), bộ tạp chí Đại học, v.v… Ngoài ra, chúng tôi còn tạo lập được trên 10 cơ sở dữ liệu để cho bạn đọc có thể tra cứu tìm kiếm tài liệu một cách thuận lợi, nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp cộng tác với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội làm được đĩa CD-Rom về cơ sở dữ liệu toàn văn bộ BAVH. Đây là một dự án về Văn hóa phi vật thể do Viện VĐBC Pháp tài trợ nhằm phổ biến tài liệu tiếng Pháp để cho các thư viện toàn quốc sử dụng tra cứu về nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ, dân tộc học, khảo cổ học, văn hóa học, nghệ thuật,v.v…
Nói chung, trong thời gian tôi công tác tại Thư viện nhà trường, tôi đã học hỏi được nhiều điều bổ ích trong việc phục vụ học tập của sinh viên và nghiên cứu của giáo viên. Đồng thời tôi cũng tích lũy và mở rộng được kiến thức cho mình một cách có hệ thống và vững chắc hơn. Điều đó rất quý giá đối với tôi. Nhờ vậy mà sau khi tôi về nghỉ hưu, tôi đã có vốn kiến thức tương đối rộng đó, tôi đã tham gia viết báo, viết bài cho các tạp chí văn hóa, lịch sử, khoa học v.v… Mặt khác, tôi cũng kết hợp tham gia đề tài NCKH cấp quốc gia với ĐHQG Hà Nội.
Nhờ đó mà tôi cũng tiến bộ dần, có kinh nghiệm thêm trong việc viết báo, viết bài nghiên cứu KH. Sau đó tôi được kết nạp vào Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Đó cũng là niềm vinh dự của đời tôi và cũng là thấy trách nhiệm với ngòi bút nhỏ bé của mình đối với dân tộc, với đất nước Việt Nam.
                                            

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

DỞ DANG- thể thơ Đường luật

                     DỞ DANG
   Nguyễn Hồng Trân (GV.Đại học Huế)
(Thân tặng các chị em trẻ có chồng mất sớm)

Số phận đời cô đã dở dang
Thương chồng mất sớm cứ bàng hoàng
Đêm nằm vắng vẻ niềm thổn thức
Sáng dậy âm thầm nỗi xốn xang
Ngó trước thương thân lòng quạnh quẽ
Nhìn sau trách phận dạ hoang mang
Cầu cho hạnh phúc còn đưa đến
Đừng để cam tâm cảnh héo tàn …
                              NHT


Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

SỨC MẠNH CHÍNH NGHĨA
CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VIỆT NAM 2-9-1945
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trong cuộc meeting lớn trước hàng chục vạn đồng bào Việt Nam tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản tuyên ngôn độc lập ấy đã trải qua 68 năm trời mà vẫn còn còn vang dội nồng nàn sức mạnh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Ngay vào những lời đầu tiên của bản Tuyên ngôn đã thể hiện một sự khẳng định chân lý nhân quyền trong một đất nước là gì và nó thiêng liêng như thế nào:
 Hỡi đồng bào cả nước!
Tất cả mọi người đều sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Nói đến đây, Hồ chủ tịch nhìn xuống cả biển người đang chú ý lắng nghe và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”
Mọi người hớn hở đồng thanh cất tiếng vang lên: “Rõ rồi ạ!”
Người lại tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chân lý đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên hệ sắc bén với những bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của các nước Mỹ và Pháp để làm tăng thêm giá trị của bản tuyên ngôn. Người đọc dõng dạc từng chữ, từng câu:

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
       
Tiếp đó là Người đã mạnh dạn vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp đã dùng lời lẽ mỹ miều mị dân để tuyên truyền chính sách công bằng bác ái đối với dân thuộc địa nhằm lừa bịp dân chúng Việt Nam. Chúng tưởng rằng chúng có thể che lấp được những âm mưu thâm độc và tội ác của chúng đối với nhân dân Việt Nam ta trong  một chuỗi năm trường nô lệ. Nhưng nhân dân Việt Nam đã thấy rõ chân tướng của chúng là muốn làm cho ngu dân, không cho dân chúng được hưởng quyền tự do dân chủ trong cuộc sống. Do đó Người không ngần ngại vạch trần bộ mặt thật của chúng:

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”.
        Bản tuyên ngôn độc lập của Người cũng đã dẫn chứng ra cho cả thế giới biết về chính sách cai trị của thực dân Pháp thật là thâm độc,dã man:

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”.

Không những về mặt chính trị- xã hội mà về kinh tế, văn hoá đều bị chúng khống chế và thao túng theo ý đồ của chúng. Đó là:

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảngnhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Mặt khác, bản tuyên ngôn cũng đã nêu lên được cái thực trạng thảm hại của đất nước Việt Nam trong giai đoạn biến cố Nhật Pháp để dân ta và cả thế giới hiểu rõ cái thái độ của Chính phủ Pháp:

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên BáiCao Bằng”.

Mặc dù thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam như vậy, nhưng dân ta vẫn có thái độ xử sự với người Pháp một cách nhân đạo. Bản tuyên ngôn cũng đã dẫn chứng lên điều đó:

Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”

Bản tuyên ngôn đã khẳng định lại rõ ràng vấn đề tình hình Việt Nam trong giai đoạn cuối để đi đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thực hiện nền độc lập dân tộc:

        Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ cộng hoà”.

Cùng với những vấn đề nóng hổi cần thiết đã nêu trên, bản tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố cho đồng bào cả nước và thế giới biết về vai trò và nhiệm vụ của Chính phủ lâm thời trước vận mệnh của đất nước mới hình thành và cũng nói rõ thái độ của Chính phủ mới trước mọi tình thế xẩy ra:

Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.

Cuối cùng của bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quan điểm và trọng trách của Chính Phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước quốc dân đồng bào cả nước và thế giới:
 
 Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị TêhêrăngCựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Có thể nói rằng, Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã nói lên ý chí, nguyện vọng của một dân tộc sau 80 nô lệ đau khổ dưới ách thực dân Pháp đã vùng lên giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Một nền độc lập chính đáng. Đây là một bản tuyên ngôn đầy sức mạnh chính nghĩa và có một sức thuyết phục lớn lao đối với mọi người trong và ngoài nước suốt 68 năm qua. ] 
                               ==00==
Ghi chú: Tác giả Nguyễn Hồng Trân- nguyên là Giảng viên chính, trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường ĐH Khoa học Huế),là hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.