Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

                  CHUYỆN MỘT THỜI TÔI KIÊM NHIỆM
                                                   Nguyễn Hồng Trân
Sau ngày hòa hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam, tôi từ Hà Nội về lại quê hương tiếp tục theo nghề dạy học. Đó là vào năm 1976, được về giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Huế (mới thành lập). Tôi dạy môn “Động hóa học” thuộc bộ môn Hóa Lý, tại khoa Hóa của trường. Hồi đó, các giáo viên, viên chức trong khoa, trong trường rất đông đúc vui vẻ, rộn ràng hăng say công việc trong không khí thoải mái, chan hòa giữa mọi người quen hay lạ mới về sau ngày Bắc Nam sum họp.
Tôi giảng dạy từ năm 1976 đến năm 1982 thì được thầy Hiệu trưởng Hoàng Đức Đạt và Thấy Nguyễn Quốc Lộc (Bí thư Đảng ủy nhà trường) yêu cầu tôi lên làm Giám đốc Thư viện nhà trường thay cho ông Đinh Công Khoách về nghỉ hưu. Lúc đó tôi chẳng vui gì với sự phân nhiệm công việc này. Tôi từ chối vì lý do không có chuyên môn về ngành thư viện. Ban Giám hiệu khuyên tôi về làm kiêm nhiệm một thời gian, sau này sẽ tìm người thay thế. Vậy là tôi đành phải chấp thuận. Sau đó, tôi phải đi học thêm về nghiệp vụ ngắn hạn quản lý Thư viện tại Thư viện Quốc gia và Thư viện Khoa học Kỹ thuật TW Hà Nội. Tôi về làm GĐ thư viện trường 3 năm, 5 năm cũng không thấy nhà trường giữ lời hứa kiếm người thay cho tôi. Tôi đề nghị nhà trường cố tìm người thay cho tôi trở về chuyên giảng dạy chứ không đi làm theo giờ hành chính nữa. BGH nhà trường động viên tôi: “Mấy năm qua anh quản lý thư viện rất tốt, mọi người đều nói rằng anh làm có tinh thần trách nhiệm cao và có cải tiến công tác Thư viện tiến bộ và hiệu quả hơn trước rất nhiều. BGH chúng tôi mong anh cứ tiếp tục làm Quản lý Thư viện, chúng tôi vẫn để cho anh hưởng lương GV như cũ và mọi chế độ nghỉ hè, nghỉ Tết cũng thế. Chúng tôi không để anh thiệt thòi đâu. Anh cố gắng giúp nhà trường khi đang gặp khó khăn thiếu nhân lực điều hành”.
Sau khi nghe các thầy trong BGH đã phần trần đồng viện tôi như thế, tôi cũng không đành lòng khăng khăng từ chối được. Tôi chấp Thuận làm GĐ tại Thư viện này cho đến khi nghỉ hưu (1999).
Trong thời gian 17 năm trời làm quản lý Thư viện, nhờ sự quan tâm của BGH nhà trường, sự giúp đỡ và hợp tác tận tình của các bạn đồng nghiệp như anh Nguyễn Cửu Sà, Tôn Thất Viễn Bào, Nguyễn Duy Hới, Huỳnh Thị Cận, Trần Duy Thanh, Phan Thị Lý, Tạ Thị Lâm, Nguyễn Thị Thu Hà, Trần Thị Khánh, v.v… Đồng thời, tôi đã nỗ lực không hề mệt mỏi để tìm hiểu nâng cao chất lượng phục vụ cho GV và SV có hiệu quả thiết thực. Chúng tôi đã từng bước vận dụng công nghệ thông tin vào một số khâu trong quy trình hoạt động Thư viện; sưu tập được một số bộ tạp chí quý hiếm xưa như bộ “Tri Tân” (gồm 212 tập), bộ BAVH –Tập san những người bạn của Huế xưa(122 tập); Mục lục Châu bản triều Nguyễn (song ngữ Hán-Việt hơn 300 tập), bộ tạp chí Đại học, v.v… Ngoài ra, chúng tôi còn tạo lập được trên 10 cơ sở dữ liệu để cho bạn đọc có thể tra cứu tìm kiếm tài liệu một cách thuận lợi, nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp cộng tác với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội làm được đĩa CD-Rom về cơ sở dữ liệu toàn văn bộ BAVH. Đây là một dự án về Văn hóa phi vật thể do Viện VĐBC Pháp tài trợ nhằm phổ biến tài liệu tiếng Pháp để cho các thư viện toàn quốc sử dụng tra cứu về nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ, dân tộc học, khảo cổ học, văn hóa học, nghệ thuật,v.v…
Nói chung, trong thời gian tôi công tác tại Thư viện nhà trường, tôi đã học hỏi được nhiều điều bổ ích trong việc phục vụ học tập của sinh viên và nghiên cứu của giáo viên. Đồng thời tôi cũng tích lũy và mở rộng được kiến thức cho mình một cách có hệ thống và vững chắc hơn. Điều đó rất quý giá đối với tôi. Nhờ vậy mà sau khi tôi về nghỉ hưu, tôi đã có vốn kiến thức tương đối rộng đó, tôi đã tham gia viết báo, viết bài cho các tạp chí văn hóa, lịch sử, khoa học v.v… Mặt khác, tôi cũng kết hợp tham gia đề tài NCKH cấp quốc gia với ĐHQG Hà Nội.
Nhờ đó mà tôi cũng tiến bộ dần, có kinh nghiệm thêm trong việc viết báo, viết bài nghiên cứu KH. Sau đó tôi được kết nạp vào Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Đó cũng là niềm vinh dự của đời tôi và cũng là thấy trách nhiệm với ngòi bút nhỏ bé của mình đối với dân tộc, với đất nước Việt Nam.
                                            

Không có nhận xét nào: