NHỚ MÃI VỀ BÀ CỤ CỐ NỘI TÔI-LÊ THỊ HOẰNG
(Trích Hồi Ký “DÒNG ĐỜI TÔI” của Nguyễn Hồng Trân)
Tôi còn nhớ, hằng năm cứ đến ngày kị giỗ cụ cố ông Nguyễn Bá Chước ( thường gọi là cụ Tú, vì cụ đỗ Tú tài Hán học thời xưa) như một ngày hội lớn ở xóm làng. Người cứ tấp nập ngoài đường, trong nhà, trước sân, sau vườn bà Tú đâu đâu cũng thấy râm ran những lời nói, tiếng cười khi chuyện trò vui vẻ. Khu nhà vườn của bà trở nên tưng bừng náo nhiệt khác thường.
Ngôi nhà chính của bà là một nhà rường 5 gian khang trang bằng gỗ tốt. Mái nhà lợp ngói liệt màu nâu thẫm. Cố nội tôi ở nhà này tại gian cuối sát nhà dưới. Các gian còn lại để thờ tự. Phía trước nhà là cái sân lát gạch vuông rộng thênh thang tiếp giáp với hai hàng hóp hoàng ry thẳng tắp phía trước như hai bức tường gắn liền với cổng. Phía dãy đất dưới gốc có hàng hoa địa lan màu hồng thắm. Cổng nhà xây bằng gạch, trên lợp mái ngói, dưới có trần gỗ. Mặt trong cổng có 2 cánh cửa dày chắc nịch bằng gỗ tốt.
Phiá sau ngôi nhà là vườn tược rộng rải, cây lá xanh tươi, trái quả 4 mùa đều có cả. Nào cam, quýt, bưởi, bòng; nào là chuối, dâu, cau, vải; nào là mít ổi, bồ quân v.v... Đặc biệt là có 2 cây vải cao to, trái không sai nhưng ngọt và mấy cây dâu dất thì trái ra từng chuỗi dày đặc từ dưới đất lên trên, ta nhìn rất thích mắt nhưng ăn thì vị chua lè. Mấy cây vả cũng vậy, trái chi chít không thấy gốc, bẻ hái cắt lát ra chắm với muối ớt ăn vả có vị chát chát, mặn mặn cũng hay hay cái lưỡi; cũng đỡ cuộn sôi cái dạ dày khi bụng đói.
Phía sau xung quanh vườn là dứa thơm, cau, trúc, tre lồ ô, cán dáo xanh tốt thi nhau lung lay trong gió, nhưng không sánh được với cái âm thanh lao xao, rào rào của những cành cau, tàu dừa khi gió Nam, nồm thổi đến. Sau cùng vườn là dãy cây mưng, cây sanh, cây cừa nằm vắt vẻo bên bờ khe suối nhỏ. Cành lá um tùm vươn ra khe như che nắng cho dòng nước mát nhẹ nhàng trôi đi khi nắng hè tới.
Đặc biệt là có một cây sung lớn nghiêng ngả cả thân cành sang tận bên kia bờ suối. Bọn trẻ chúng tôi thường leo trèo, đi lại qua khe như chiếc cầu tự nhiên để lui tới, chơi bời như câu cá, bẫy chim, bắt rế v.v... Còn có một chiếc cầu tre cách nhà bà cố nội tôi không xa lắm. Cầu này gần nhà ông bà Cửu Chinh. Nhà ông bà Cửu Chinh cũng nhà rường 5 gian, rồi đến nhà của ông bà Quýnh, đến nhà bà cố tôi và cuối cùng là nhà của ông bà nội tôi cũng là nhà rường 5 gian rộng rãi. Tất cả các ngôi nhà ở đây đều xây mặt về hướng Nam nhìn ra cánh đồng Ba Trừ. Cánh đồng này về mùa hè người nông dân ở đây chỉ làm lúa vại mà thôi vì không đủ nước. Do đó thu hoặch mùa màng cũng thấp kém (chỉ hơn tạ một sào mà thôi). Nhất là về mùa nắng nóng, có những năm khô hạn ruộng đồng nứt nẻ, thiếu nước cho sinh hoạt đời sống dân làng. Cũng may mà trời cho các vị khai canh, khai khẩn của làng đã sớm tinh mắt nhìn thấy mấy cái giếng nước tự nhiên tuôn trào ra êm ả cả ngày đêm dòng nước mát trong và không bao giờ khô cạn. Đó là giếng ông Dưng(xóm An Lạc), giếng mụ Vãn( xóm Bớc), Giếng Đá (xóm lý Sơn), sau này có thêm giếng mụ Cửu Nghĩa, mụ Thông (ở chân đồi nương Hóa). Nhất là giếng ông Dưng, giếng mụ Vãn, mạch chảy khá mạnh, nước trong veo mát rượi. Vào những buổi trưa hè nắng nóng, ai đi ngang qua đây cũng muốn dừng chân lại nghỉ ngơi, rửa tay chân ngoài bờ giếng rồi dùng hai bàn tay bụm kín lại múc nước lên hoặc dùng nón lá nhấn xuống cho nước thẩm thấu vào trong rồi bưng lên, cúi đầu xuống uống một hơi cho đã khát. Tôi, chú Duy, chú Triêm(con ông bà Quýnh), anh Cam (con bác Liễu), anh Mẫn (con ông Nậu) cũng thích uống nước giếng kiểu như thế.
Vào buổi chiều tối, mấy đứa trẻ chúng tôi lại hay rủ nhau đi tắm nước giếng ông Dưng rồi ngồi quanh giếng và chuyện trò với nhau rôm rả. Nơi đây là một tụ điểm đầy kỷ niệm thời niên thiếu của chúng tôi. Bà cố nội tôi cũng thích tắm nước giếng ông Dưng lắm. Bà hay sai người đi gánh nước về đổ vào lu sau buồng tắm để bà tắm. Hồi đó, các con gái của bà như bà Diệm, Đệ, Đăng, Hồng, mặc dù đã đi lấy chồng sang làng khác nhưng thường hay đến thăm bà và lo chăm sóc chuyện tắm gội, giặt giũ quần áo cho bà. Còn hàng ngày thì đã có o Thất (con mụ Tần người Triệu Phong) lo vệ sinh, nội trợ.
Bà cố nội tôi rất anh minh, thông thái. Bà đọc hiểu chữ Hán-Nôm và nhớ được nhiều chuyện cổ kim bên Tàu, bên ta. Bà thường kể cho cháu, chắt nghe nhiều chuyện thật thú vị. Bà rất thương tôi và cưng quý tôi lắm. Vì bà rất thương ba tôi (Nguyễn Chương) do bị mồ côi mẹ lúc mới sinh. Bà phải thuê vú về nuôi ba tôi khi mới lọt lòng mẹ, chỉ nặng hơn 2 cân. Thế mà nhờ bà cố tôi hết lòng thương yêu cháu nội và tạo đủ mọi điều kiện để nuôi cho ba tôi được sống khỏe mạnh, trưởng thành và có gia đình con cái, trai gái đầy đủ. Quả thật là chuyện hiếm có trên đời. Cả làng Phú Long ai cũng biết chuyện đó của bà. Bà còn nổi tiếng cả tổng An Thái, huyện Hải Lăng về vài chuyện khác nữa.
Chuyện thứ nhất là bà được vua Đồng Khánh (năm thứ 1= 1885) chọn người đẹp làm thị nữ với tên gọi là Lưu Ngân trong cung Nhà nguyễn (đại nội Huế ) hồi con gái mới 14 tuổi. Sau 3 năm, khi vua Đồng Khánh mất, bà được hoài hương về làng Cổ Thành (Triệu Phong, Quảng Trị) rồi lấy chồng, làm vợ kế ông Tú Khánh (tức Chước. vì có kỵ húy vua Đồng Khánh nên đổi lại tên Chước vào năm Đinh Hợi =1887). Ông Nguyễn Bá Chước là một nhà Nho đỗ tú tài năm Tự Đức thứ 30 (1876) và là một thầy thuốc Đông y có tiếng trong huyện. Ông được nhà vua mời đến làm quan ngự y và chữa khỏi bệnh thương hàn cho vua Đồng Khánh nên về sau nhà vua có hứa cho về quê người bạn gái Lê thị Hoằng của ông.
Chuyện thứ hai nổi tiếng là bà đã làm vợ kế cho một ông thầy thuốc Đông y có tiếng trong triều và được phong thưởng danh vị “Hàn Lâm Viện đãi chiếu” vào năm Thành thái thứ 6 (1894);
Chuyện thứ ba nổi tiếng sau này là bà đã sinh được 20 người con (đứng thứ nhì trong tỉnh Quảng Trị), nhiều lần bà sinh năm một;
Chuyện thứ tư là bà có tiếng một phụ nữ giàu có nhất vùng (trâu bò đầy đồng, điền trạch khắp tổng).
Theo tôi, tất cả những điều nổi tiếng như đã nói trên hồi xưa thì cũng không phải có gì quan trọng lắm, những điều mà cháu, chắt, hậu duệ của bà Hoằng sau này đáng tự hào về bà là tấm gương người đàn bà minh bạch, thương chồng, lo cho chồng, biết nuôi nấng, chăm sóc con cháu; biết cách dạy dỗ con cháu tự lực cánh sinh, học hành thành nghiệp; biết làm ăn lương thiện, làm giàu chính đáng; biết hoạt động vì mục đích ích quốc, lợi dân. Con cháu ruột thịt của bà phần lớn là những người có học thức, biết phụng sự cho Tổ quốc Việt Nam . Có người là cán bộ lãnh đạo có tiếng trong huyện, trong tỉnh như ông Nguyễn Quýnh (chủ tịch huyện Hải Lăng đầu tiên sau ngày Việt Nam độc lập). Có một số con cháu ruột của bà đã thành liệt sĩ cho Đất nước hòa bình thống nhất như ông Nguyễn Cung Trứ (con trai út), chú Nguyễn Vui (cháu nội), chú Nguyễn Tập (cháu ngoại); Một số cháu chắt nội của bà những nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ rất tâm huyết phụng sự cho Tổ quốc Việt Nam như Nguyễn Mạnh Duy (TSKH cao cấp về điện máy, nguyên Chủ tịch Hội đồng bảo vệ tiến sĩ ngành Điện Việt Nam), cô Nguyễn Thị Ngân Hà (TS về văn học Pháp, GV trường Đại học Ngoại ngữ Huế), Nguyễn Kim Khánh(TS về Công nghệ Thông tin- là GV trường đại học Bách khoa Hà Nội); Nguyễn Xuân Sơn- TS kỹ thuật điện(GV trường ĐHBK Hà Nội); Nguyễn Hồng Trân, nhà nghiên cứu Văn hóa, Lịch sử Việt Nam; ngoài ra còn có nhiều vị là cử nhân, kỹ sư các ngành nghề khác.
Trong những tháng ngày sống gần gũi bên bà, tôi được bà chiều chuộng, thương yêu rất nhiều. Bà hay kể chuyện cho tôi nghe và khuyên giải tôi nhiều điều về lễ độ, phép tắc trong gia đình, với bà con xa gần, với mọi người ngoài xã hội v.v... Qua đó, tôi cảm thấy ở bà có một cái gì đó cao cả, thiêng liêng mà tôi cần ngoan ngoãn tự giác nghe theo lời bà đã dặn dò chỉ bảo...
Thỉnh thoảng bà Tú gọi ba mẹ tôi đến để hỏi thăm tình hình công việc và đời sống gia đình. Bà luôn động viên ba tôi hãy nhiệt tình công tác. Ba tôi nói: “Mệ yên tâm, cháu hăng hái công tác lắm, không hề sợ gian nan vất vả đâu, mệ đừng lo. Cháu vào đội tự vệ thôn, tham gia dân quân xã và tập luyện cho họ cũng được lắm. Thấy các đồng đội và bà con thôn xã quý mến là cháu vui rồi”. Nghe vậy, bà mỉm cười yên dạ. Tiếp đó, bà quay sang hỏi chuyện mẹ tôi: “Công việc nuôi tằm kéo tơ của cháu nay đã quen chưa?” . Mẹ tôi đáp: “ Kính thưa mệ, cháu cũng quen dần rồi ạ”. Bà lại nói ngay: “Chịu khó mà làm nghe! Trời không phụ công các con đâu!”.
Thực ra việc này không khó khăn, vất vả nhưng bận bịu suốt ngày. Phải lo chạy mua đủ dâu cho tằm ăn; phải biết đề phòng cho tằm không bị bệnh tật, bị kiến, ong chích đốt, bị chuột, mối tấn công v.v... Nhất là lúc tằm đến thời kỳ “ăn 5” (tức sang giai đoạn cuối đời tằm). Sức ăn của tằm rất mạnh, phải tốn rất nhiều lượng lá dâu tươi. Mẹ tôi chỉ nuôi 7-9 nong tằm mà chạy đi hái, đi mua dâu tất bật khắp nơi. Có nhiều lần tôi cũng giúp mẹ tôi đi hái dâu, mua dâu dưới vùng Phường Sắn, bên vùng La Vang, trên làng Như Lệ, Tích Tường, Phước Môn v.v...
Đến khi tằm chín vàng rượm thì nhanh chóng rải tằm lên những bó nè, cành hóp để chúng kịp thời chăng tơ làm kén tổ. Thấy những con tằm thi nhau múa cái đầu qua lại, lên xuống, dọc ngang nhả tơ xây tổ thật là vui mắt. Tôi liền chạy lên tin cho bà cố nội tôi biết để xuống xem. Bà Tú xuống xem rồi trầm trồ nói: “Người nuôi tằm dày công vất vả, nay tằm nhả tơ vàng đền đáp công lao”. Nghe câu nói hay hay, tôi xin phép cố bà nhắc lại cho tôi chép vào vở để học thuộc. Bà xoa đầu tôi và khen tôi có ý thức học hỏi. Hồi đó tôi đang học lớp nhì. Ngoài việc học văn hóa ra tôi còn luyện tập võ thêm để tăng cường sức khỏe. Tôi chỉ ôn luyện các môn kiếm, côn, quyền đã được học tại Huế trong mấy năm trước (do các thầy chùa dạy võ luyện tập). Thấy tôi múa mấy bài kiếm, bài côn quyền nhanh nhẹn, đẹp mắt, một số bạn thiếu niên trong làng cũng ưa tập theo. Tôi sẵn sàng tập cho họ, trong đó có chú Triêm, anh Cam , bạn Viên, bạn Cừ...
Tôi còn nhớ đến dịp kỷ niệm đầu tiên ngày Việt Nam độc lập (2-9-1946), Ủy ban xã có tổ chức đêm liên hoan văn nghệ tại sân nhà thờ Nguyễn Hữu Bài ở trên đồi thôn Phước Môn. Hồi đó trong làng tôi có nhiều người đi xem và tham gia diễn văn nghệ như bác Trữ, bác Tiêu (Tuyến), chú Cẩn, chú Duy, chú Đợi, anh Yên, anh Hưng, anh Cam(Căn), anh Mẫn...
Đêm hôm ấy, bác Trữ, bác Tuyến, chú Cẩn thì diễn kịch và ca nhạc, còn tôi có trình diễn các tiết mục võ thuật như múa độc kiếm, múa song kiếm và múa côn hai đầu có lửa ngọn. Tôi đã biểu diễn thành công và được cán bộ, đồng bào khán giả toàn xã hoan nghênh nhiệt liệt. Đến tận đêm khuya đoàn văn nghệ làng tôi mới trở về nhà. Suốt đêm đó tôi vui sướng không sao ngủ được. Tôi thầm nghĩ bụng: cứ mạnh dạn, nhiệt tình làm điều tốt cho quê hương, cho xã hội thì tuổi thơ của mình sẽ có ích và vinh hạnh.
Sáng ngày mai, ba tôi và bác trữ kể lại chuyện về thành công mục múa võ (côn, kiếm) của tôi cho bà con và cố nội tôi nghe. Ai cũng khen ngợi, động viên tôi phát huy sở trường tuổi trẻ. Sau đó tôi được cố Tú thưởng cho một chai mật ong và một thẫu nhỏ đường phèn. Trong nhà bà luôn sẵn có trong kho vài lu đường phèn, mấy bồ rơm xếp đầy đường bánh, hàng chục hũ tương, trĩnh nước mắm ngon và rất nhiều chum vại đậu, mè, kê...
Biết tính ba tôi và tôi hay thích ăn chè kê bà cứ nấu cho ăn hoài. Lần này, ngoài việc bà tặng thưởng cho tôi chai mật và thẫu đường phèn ra bà còn cho tôi đi cùng với bà một chuyến ra chơi thị xã Quảng Trị (vào một ngày cuối thu năm 1946, nhân dịp bà tròn 73 tuổi. Sáng hôm ấy, ba tôi đưa cố bà và bà Diệm (tức bà Thông Liên) cùng tôi sang nhà ông Xạ Sáng (gần nhà thờ La Vang ) để lên xe kéo của cố bà chạy theo đường dốc Nhà Hoa thẳng ra thị xã Quảng Trị. Đến thị xã QT, bà ghé vào thăm nhà ông Bỉnh (cháu ruột của bà) nhà ở sát chợ tỉnh. Sau khi chuyện trò thân mật với ông bà Bỉnh, bà cho xe tiếp tục về cầu Sãi đến Cổ Thành để thăm bà con xóm làng nơi xứ sở của bà. Đến chiều, trời im mát, xe chở mấy bà con chúng tôi về đến đầu cổng nhà thờ La Vang. Đến đây tôi thấy có nhiều người và trẻ con xúm quanh hai linh mục mặc áo dài đen, râu dài đầy cằm, bộ mặt Tây lạ lạ. Lúc đó tôi cũng tò mò ưng đến xem nên liền xin phép cố Tú và bà Diệm được rời xe đến đó coi thử. Cụ cố và bà Diệm đã hiểu được tâm lí trẻ con nên vui vẻ dục tôi đi chơi với tụi bạn và dặn dò tôi nhớ đừng về nhà muộn. Thế là tôi được tự do vui chơi thỏa thích với bạn bè…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét