Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

CẦU TRƯỜNG TIỀN NÉT DUYÊN CỦA HUẾ

           CẦU TRƯỜNG TIỀN-NÉT DUYÊN CỦA HUẾ  
                                               *****  
                                   Nguyễn Hồng Trân 
                                                                                                
Cầu Trường Tiền ở Huế là một trong những chiếc cầu  đẹp ở Việt nam. Nhìn chiếc cầu, nhiều du khách cũng như nhân dân thành phố Huế có cảm tưởng như một nàng công chúa trẻ trung đang nằm giữa cố đô và mỉm cười với núi Ngự, sông Hương hiền hoà xanh mát. Cầu Trường Tiền là nét duyên của Huế và đã tồn tại hơn 112 năm nay(1899-2012) nối liền hai bờ Bắc Nam dòng Hương Giang giữa Đô thành Huế.   

 Chiếc cầu vươn mình trên dòng sông Hương thơ mộng như con rồng khổng lồ uốn mình bắc ngang qua dòng sông một cách nhẹ nhàng, sang trọng.
Cầu Trường Tiền là nơi đã từng lắng nghe những âm thanh thì thầm của bao chàng trai cô gái thanh lịch đất thần kinh mà dân gian xứ Huế còn để lại mấy câu hò còn ngân vang mãi đến ngày nay:

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp(*),
Anh qua không kịp, tội lắm em ơi!
Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời,
Dẫu có xa nhau đi nữa cũng tại ông trời mà xa!...”

Cầu Trường Tiền là cây cầu sắt đầu tiên nối liền mạch máu giao thông hai bờ Bắc Nam của thành phố Huế.
Cầu này được xây dựng từ năm Thành Thái thứ 9 (1897) và hoàn thành vào năm Thành Thái thứ 11(1899). Khi chưa có cầu, tại đây có một bến đò ngang gọi là bến đò Trường Tiền,  đoạn sông qua đây cũng gọi là sông Trường Tiền.

Về tên gọi chiếc cầu này cũng có thay đổi qua từng thời kỳ. Ban đầu, cầu có tên là cầu Thành Thái, vì cầu được xây dựng dưới thời vua Thành Thái thứ 9 (1897). Sau khi vua Thành Thái bị Pháp phế truất, Pháp cho đổi tên cầu thành cầu Clémenceau (Cơ- lê măng- Xô) là tên vị Thủ tướng nước Pháp có công trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Đến năm 1945, Nội các Trần Trọng Kim cho đổi tên cầu này thành cầu Nguyễn Hoàng (vị chúa Nguyễn đầu tiên tới trị vì xứ Đằng Trong này). Mặc dầu qua bao thăng trầm biến cố lịch sử, chiếc cầu qua dòng Hương giang này đã mấy lần “thay tên, đổi họ”, nhưng dân chúng xứ Huế và khắp nơi trong cả nước đều gọi tên cầu Trường Tiền. Cái tên thông dụng bao đời nay vẫn thấm sâu trong tâm thức của mọi người. Ngày xưa còn gọi là Trường Tiền vì vị trí cầu nằm gần sát bờ sông Hương, cạnh xưởng đúc tiền xu thời xa xưa (trường tiền vùng đất trống rộng có xưởng đúc tiền).

Cầu Trường Tiền gồm 6 vài, mỗi vài dài 66 thước 8 tấc 5 phân(mỗi thước mộc ta bằng 0,425 mét); Cầu rộng 6 thước 2 tấc. Tổng chiều dài cây cầu là 401 thước 1 tấc (Đó là những số liệu lưu trữ cũ, còn bây giờ thực tế chiều dài và rộng của cầu này đã thay đổi chút ít qua các đợt trùng tu nâng cấp). Cầu có 12 nhịp được thiết kế theo kiểu kiến trúc Gothique; mỗi nhịp có thành hình bán nguyệt. Các nhịp kế tiếp nhau làm thành một giải sóng đều đặn, mềm mại như làn nước sông Hương. Với kiểu kiến trúc cầu khá đẹp, hài hoà lại ở ví trí trung tâm thành phố càng làm cho dòng Hương Giang và thành phố Huế thêm duyên dáng, thơ mộng.
Cầu Trường Tiền ban đầu làm bằng gỗ, còn mặt cầu thì lát bằng ván gỗ lim. Đến sau cơn bão lớn năm Giáp Thìn(1904) đã làm sập một vài sụp đổ xuống ngay tại chỗ, hai vài bay xuống sông ngang chợ Đông Ba, còn một vài bị cuốn trôi về tận Bãi Dâu. Qua trận bão, cầu bị hư hỏng nặng. Sau 2 năm (1904 – 1906), cầu Trường Tiền được sửa chữa lại bằng sắt và xi măng rất kiên cố. Đến năm 1938, cầu được mở rộng thêm hai bên cho khách bộ hành đi lại thuận lợi, thoáng mát.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, cầu bị đánh sập hai vài để ngăn chặn bước tiến quân của giặc sang sông đánh chiếm kinh thành Huế. Sau đó cầu được sửa chữa lại với hình dáng như cũ nhưng với ba vài sắt hoàn toàn mới. Thời chiến tranh (1968), cầu đã bị sập 2 vài. Sau đó, cầu được Hãng Eiffel chịu trách nhiệm sửa lại để lưu thông, nhưng có một vài chưa được thay thế. Mãi tới năm 1990-1991, Công ty Cầu 1 Thăng Long đảm nhận tiếp tục sửa chữa lại cầu Trường Tiền. Riêng đối với vài số 4 của cầu này thì do tập đoàn Baudin Chateauneuf và hãng sơn Présiozo của Pháp lo liệu. Ngày 19-5-1995, lễ thông cầu được tổ chức trọng thể vào đúng ngày sinh nhật của Bác Hồ. Như vậy, cầu Trường Tiền đã được tu sửa lại toàn bộ và nâng cấp độ vững chắc hơn trước. Tuy cấu trúc cầu có thay đổi một số chi tiết về dầm, gá níu chằng, nhưng hình dáng chiếc cầu vẫn đẹp như xưa.

 Chiếc cầu lịch sử này đã bao phen bị phong ba bão táp của thiên tai và hư hại tàn phá của chiến tranh. Cầu đã từng chứng kiến trước bao cảnh hưng vong, thăng trầm của đất nước qua các thời đại.

Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại(1)
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong(2).
Ơi người lỡ hội chồng con,
Về đây gá nghĩa vuông tròn cùng ta...

Cầu Trường Tiền là thắng cảnh nổi tiếng đã đi vào thơ ca dân gian xứ Huế từ bao đời nay và là đề tài vô tận của biết bao ca khúc trữ tình; là biểu tượng của Huế xưa và nay.

   Như nhà thơ Thu Bồn đã cảm tác Bài “Tạm biệt ”, có đoạn:
           
            “Xin chào Huế một lần anh đến
            Để ngàn lần anh nhớ trong mơ…”

            “Áo trắng hỡi tìm em không thấy
Nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế!
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu?
Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…”

Hoặc bài thơ: “VẪN HUẾ” Nguyễn Đức Hùng (trong tập: “Tình Huế với Đồng Nai”. NXB Hội nhà Văn -2008) có đoạn:

“Xuân vẫn còn lạnh, hạ vẫn còn mơ
Vẫn nón bài thơ nghiêng che trên má
Vẫn nắng mới hàng cau thôn Vĩ Dạ
Vẫn cầu Trường Tiền ngả bóng trăng soi.”

Nếu ai có dịp trèo lên đỉnh núi Ngự Bình mà nhìn về cầu Trường Tiền thì thấy đẹp vô cùng. Chiếc cầu như nàng tiên cá trắng nõn uốn mình nằm vắt ngang sông Hương xanh biếc, trong ngần.
Vào những đêm trăng sáng, bóng dáng chiếc cầu cứ lung linh, lấp loáng dưới lòng sông như đùa giỡn với ánh trăng. Thỉnh thoảng có những chiếc thuyền xuôi ngược được chèo lái qua dưới gầm cầu tạo nên những làn sóng nước vỗ vào chân cầu nghe lao xao, êm dịu.
Cầu Trường Tiền trong những đêm lễ hội thì thật là sang trọng. Cầu được trang điểm với những sắc màu phong phú của hệ thống chiếu sáng điện quang rực rỡ, nhấp nháy, tưng bừng. Trên cầu người ta đi lại rộn ràng và nhìn dòng sông Hương đang mơ màng bao ước vọng. Nhìn xa xa hai bên chân cầu có hàng ngàn hoa đăng sáng lập loè đung đưa theo làn sóng.

Ôi thật là lâng lâng xúc cảm khi ta rải bước dạo chơi dọc bờ sông Hương mà ngắm lại cầu Trường Tiền!
                       
Chiều về thành Huế tĩnh yên,
Dòng Hương soi bóng Trường Tiền lung linh.
Thông reo trên núi Ngự Bình,
Thuyền chèo xuôi ngược in hình trên sông.
Điệu hò man mác cõi lòng,
Mái nhì vang vọng nhớ mong bao điều!
Quê hương đất nước thân yêu,
Tim gan ta đã thấm nhiều hồn thiêng.
Mỗi lần ngắm lại Trường Tiền,
Lòng ta xao xuyến liên miên chuỗi tình.
                        =====
                                (Thơ Hồng Trân 2009)

Hình ảnh cầu Trường Tiền đã thấm đậm, sâu sắc trong lòng người Huế xưa nay và rất nhớ nhung lưu luyến, da diết đối với những người con xa quê, thương cội, nhớ nguồn. Cầu Trường Tiền đã gây được ấn tượng đẹp đẽ, dễ thương và trìu mến đối với bao du khách từ bốn phương trời mỗi lần đến Huế. Và thật đúng cầu Trường Tiền đã trường thọ một cách duyên dáng   giữa lòng Cố đô Huế./.
                                                                                 N.H.T

Chú thích: (*)-Chính thực ra cầu Trường Tiền chỉ có 6 nhịp theo hình cung xây dựng nhưng vì mỗi bên cầu có 6 cung nhịp nên cả hai bên là 12. Dân gian đã quen gọi như thế từ lâu rồi. Quan niệm vài và nhịp theo dân gian cũng chỉ tương đối thế thôi.Cũng như người ta gọi cầu Trường Tiền hay sau này thường gọi là cầu Tràng Tiền cũng thế. Chữ  “trường”ở đây theo chữ Hán là một vùng đất rộng chứ không phải trường là dài.
(1)giại: bãi đất hoang bờ sông; (2) xi-moong: xi măng.

Không có nhận xét nào: