Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

GẶP CỤ ĐẶNG VĂN VIỆT-MỘT NHÂN CHỨNG...

             GẶP CỤ ĐẶNG VĂN VIỆT-MỘT NHÂN CHỨNG 
           TRONG NGÀY VUA BẢO ĐẠI THOÁI VỊ 30/8/1945
                                                   ******  
                                                            Nguyễn Hồng Trân

 Năm nay (2012), trong dịp ra Hà Nội, tôi được tiếp chuyện với bác Đặng Văn Việt- người đã từng kéo cờ lên kỳ đài thành Huế trong ngày lịch sử vua Bảo Đại thoái vị vào chiều ngày 30/8/1945.
Bác Việt năm nay (2012) đã 92 tuổi, nhưng bác vẫn còn minh mẫn, tỉnh táo và đi lại bình thường. Tôi rất ngạc nhiên nữa là bác ấy còn đi được xe máy trong thành phố Hà Nội để thăm hỏi bà con bạn bè và công tác đoàn thể, xã hội…
Bác Việt chuyện trò với tôi rất vui vẻ, cởi mở, nhiệt tình về các vấn đề xã hội, đất nước và con người xưa nay. Càng nghe bác nói chuyện, tôi càng hứng thú, thán phục về tầm hiểu biết văn hóa lịch sử của bác cũng khá sâu rộng, uyên thâm.
Tôi nghĩ rằng, kiến thức của bác Việt có được như vậy cũng do quá trình học hỏi đã tích lũy được trong thực tế trên nửa thế kỷ với sự rèn luyện, chiến đấu kiên cường, anh dũng qua bao thử thách trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam.
Tôi và bác nói chuyện với nhau được một lúc thì bác quay sang hỏi tôi:
“Cậu đến thăm mình và có cần việc gì không?”
Tôi trả lời:
“Cháu đến thăm bác, trước tiên là để được gặp thăm bác- một người lịch sử mà xưa nay cháu đã từng nghe tiếng về một sự kiện lịch sử liên quan đến bác. Đó là việc bác đã chỉ huy treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài kinh thành Huế trong ngày lễ vua Bảo đại thoái vị (chiều 30/8/1945 tại trên lầu Ngũ Phụng cửa Ngọ Môn, Đại Nội Huế). Hồi đó, cháu mới học xong lớp nhì ở Huế và cháu cũng có mặt cùng mẹ cháu trong buổi lễ đó. Bấy giờ ba cháu là cai lính khố vàng lo canh gác Đại Nội Huế. Ba cháu có kể lại rằng, khi cách mạng giành chính quyền ở Huế, vua Bảo Đại ra lệnh cho đội lính Khố vàng(do ông Nguyễn Viết Lương làm đội trưởng) canh gác kỳ đài không được đụng đến quân đội Việt Minh để yên cho họ muốn làm gì thì làm thì mọi người mới được an toàn”.

Thế là ngày 21/8/1945, cuộc cách mạng giành chính quyền thành công đã diễn ra ra ở Huế. Lá cờ của nhà vua bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên Kỳ đài Kinh thành Huế.
Sau đó, đến ngày làm lễ nhà vua thoái vị thì lá cờ vàng Quẻ ly của nhà vua lại được kéo lên để làm thủ tục lễ thoái vị cho nhà vua. Khi làm lễ chính thức bàn giao quyền lực cho chính thể mới VNDCCH thì cờ nhà vua sẽ hạ xuống và cờ đỏ sao vàng sẽ được kéo lên kỳ đài.
Bác Việt nói liền với tôi:
“Thực ra thì vua Bảo đại cũng đã biết trước tình thế vận nước lúc bấy giờ rồi nên mới để yên cho quân cách mạng tiến hành thuận lợi như vậy. Nếu không thì cũng sinh chuyện đổ máu trong ngày đó thì có lẽ cũng là ngày giỗ của chúng tôi và giỗ cả nhà vua nữa”.
Tôi hỏi thêm bác Việt:
“Xin bác nói rõ hồi đó bác chỉ huy kéo cờ như thế nào? Bác có tham gia trực tiếp kéo không?”
Bác Việt trả lời:
“Tôi là người trực tiếp chỉ huy toán lính ta gồm 5 người trang phục chỉnh tề đứng chào. Tôi chỉ ra lệnh cho số lính dõng địa phương kéo cờ vàng nhà vua xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài trước Ngọ Môn Kinh thành Huế vào những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó cũng một vinh dự cho tôi trong cuộc đời tham gia cách mạng, làm lính cụ Hồ”.
Tôi hỏi tiếp bác Việt:
“Bác là một trong những nhân chứng quan trọng trong giờ phút lịch sử ấy, bác có cảm tưởng như thế nào lúc bấy giờ?”
Bác trả lời:
“Tôi vô cùng xúc động trước sự kiện lịch sử này. Từ trên cột cờ nhìn xuống, tôi thấy cả một biển người sôi động hô vang: “Hồ Chí Minh Muôn năm! VNDCCH Muôn năm!”. Tôi cảm thấy mình đang bừng lên không khí phấn khởi chung của đồng bào Thừa Thiên- Huế chào mừng một chế độ mới dân chủ, độc lập không còn thực dân, phong kiến nữa. Càng ngẫm nghĩ tôi càng thấy rằng chính sách của Chính phủ cụ Hồ thật khôn khéo và nhân đạo đã đem lại sự an bình, ổn định niềm tin và cảm tình cho toàn thể dân chúng. Chứ không phải như ngày xưa ở Pháp và một số nước khác khi lật đổ một chế độ là họ sát hại nhà vua và các quan lại cận thần không luyến tiếc”.
Nghe như vậy, tôi tiếp lời bác Việt:
“Cũng nhờ chính sách mềm dẻo của chính quyền cách mạng như thế nên vua Bảo Đại cũng cảm kích và sẵn sàng thoái vị mà không có một chút gì sợ hãi, oán hận mà nhà vua rất bình tĩnh. Đều đó đã thể hiện trong bài chiếu thoái vị của nhà vua trước hàng chục vạn đồng bào trong chiều ngày 30/8/1945, trong đó có đoạn như sau:
“Còn về phần trẫm, sau 20 năm ngai vàng, bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của trẫm hay của Hoàng Gia mà lung lạc quốc dân nữa.
           Việt Nam độc lập muôn năm!
          Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”
(Trích Tờ chiếu số hiệu:1871 –GT,ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20 (25 tháng 8 năm 1945) .
          Trước ngày thoái vị, vua Bảo đại có ban một tờ chiếu cho bà con trong Hoàng tộc và được công bố vào ngày 25/8/1945, trong đó một câu nói nổi tiếng đầy ý nghĩa mà chắc nhiều người trong nước ta còn nhớ:
“Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”
 Câu đó nằm trong đoạn sau:
“Cái gia tài quý báu di truyền đã gần 400 năm ấy, nay trong giây phút trẫm bỏ hết cả. Bà con trong Hoàng tộc ai mới nghe cũng phải đau lòng ngậm ngùi. Song trẫm biết rằng đó chỉ là một cái cảm tính thoáng qua trong chốc lát mà thôi chớ bà con ai cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét gần, thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn định lấy ba chữ “Dân vi quý” làm một khẩu hiệu của chính thể mới, sau khi đã tuyên bố: Để hạnh phúc dân lên trên ngai vàng. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”, nay trẫm nhất định thoái vị để giao vận mệnh quốc gia lại cho một chính phủ có đủ điều kiện huy động hết thảy lực lượng của toàn quốc mà giữ vững nền độc lập của nước, hạnh phúc cho dân” (Trích tờ chiếu Số hiệu: 1872 –GT. Ngự tiền Văn phòng cung lục,25 tháng 8 năm 1945).
Sau ngày Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tỏ ý tôn trọng cựu hoàng Bảo Đại mà gửi thư vào mời ông Vĩnh Thụy ra làm Cố vấn cho Chính phủ lâm thời tại Hà Nội. Chính nhờ sự rộng lượng khôn khéo ấy mà có nhiều cựu quan lại nhà Nguyễn lúc bấy giờ cũng đi theo nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như ông Thái Văn Toản, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, v.v…
Nghe tôi nói như thế, bác Việt cũng tỏ vẽ tán đồng và cười vui. Sau đó bác ấy kể cho tôi về cuộc đời binh lửa của bác trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Hầu hết các sĩ quân quân đội nhân dân Việt Nam ai cũng biết tên tuổi bác.
Đặng Văn Việt nguyên là Trung đoàn trưởng TĐ 174 (Cao- Bắc- Lạng) đã tham gia chỉ huy hàng trăm trận đánh với quân giặc và đều thắng lợi. Nên các tướng tá quân Pháp lúc bấy giờ dư luận phong cho bác Việt danh hiệu: “Con hùm xám đường 4”.
Trong cuộc đời quân ngũ của bác Việt, bác đã từng tham gia các chiến dịch lớn như:
-Nguyên chỉ huy mặt trận đường số 9
-Nguyên chỉ huy mặt trận đường số 7
-Nguyên chỉ huy mặt trận đường số 4
-Nguyên chỉ huy mặt trận đường số 6
Bác Đặng Văn Việt tuy nay tuổi rất cao, nhưng bác vẫn còn tỉnh táo, chuyện trò rành mạch, vui vẻ thoải mái. Bác nói cuộc đời của bác tổng kết lại gồm 3 cái có và 7 cái không như sau:
-3 cái có là:
1.Có công với Giang sơn Tổ quốc.
2.Có tình nghĩa với đồng bào, đồng đội.
3.Có kiến thức thực tiễn và lý luận sâu rộng về quân sự.
-7 cái không” là:
1.Không tham ô, trục lợi,
2.Không hủ hóa, trụy lạc,
3.Không quỳ gối, xu nịnh,
4.Không hèn nhát, cầu an,
5.Không hận thù, thành kiến,
6.Không lừa dối, xảo trá,
7.Không háu danh, địa vị.
Sau ngày nghỉ hưu, bác vẫn không ngừng hoạt động công tác xã hội và Hội cựu chiến binh. Bác Việt còn dành nhiều thời gian sưu tầm tư liệu và kết hợp với kiến thức thực tế trong lịch sử chiến đấu chống giặc của quân và dân ta để viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Những tác phẩm của bác Việt được nhiều người đón đọc và hoan nghêng, ngưỡng mộ. Có 2 tác phẩm của bác được giải thưởng. Đó là các tác phẩm:
-Đường 4 rực lửa- được giải văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 1987.
-Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ đường 4 anh hùng (Hồi ký, được xếp hàng đầu trong các hồi ức thế giới năm 2004 (theo tin của BBC).
Đặc biệt cách đây không lâu, có một tác phẩm được nhiều nhà sử học đánh giá rất cao và được nhiều bạn đọc ca ngợi. Đó là tác phẩm:
-Người lính già kể chuyện dân tộc Việt Nam chống xâm lược và những bài học.
Quyển sách này, bác Việt và các cộng tác viên đã viết đi viết lại 7,8 lần và đã tiến hành bốn cuộc hội thảo lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, nhiều tướng lĩnh v,v… đã nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ cho công trình này.
Như Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo, nguyên Viện trưởng Học viện Quốc phòng Việt Nam đã ghi trong lời tựa quyển sách:
“Tôi xin thành thật cảm ơn và hoan nghênh tác giả Đặng Văn Việt và cộng tác viên của ông đã làm nên công trình quý giá này, một đóng góp vào kho tàng tư liệu về nghệ thuật quân sự, lịch sử quân sự, kho tàng văn hóa của nước nhà”.
Cũng như trong nhận xét của GS. Trần Văn Giàu:
“Sau 21 thế kỷ, lần đầu tiên cuốn “Việt Nam chống xâm lược”  “là cuốn quân sự đầu tiên của Việt Nam” từ cổ đại đến hiện đại được xuất hiện. …Sách tuy không dày lắm nhưng nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực, nên có thể coi như một một Bách khoa thư thu nhỏ”.
Những tác phẩm của bác Việt nói trên là một tài sản vô giá của người lính cụ Hồ để lại cho thế hệ đi sau với những cái đánh giá, nhìn nhận rất thực tiễn, khách quan và trí tuệ của một nhà quân sự dày dặn kinh nghiệm chống quân xâm lược, giải phóng dân tộc và quê hương đất nước Việt Nam.
Trong dịp kỷ niệm 66 năm ngày thành lập trường Thanh niên Tiền tuyến Huế (1/7/1945 – 1/7/2011), bác Đặng Văn Việt đã từ Hà Nội vào dự lễ trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Thừa Thiên -Huế. Bác đã thay mặt cho Ban liên lạc học sinh của trường phát biểu ý kiến rất xúc động. Trong đó có đoạn: “Chúng tôi, những nhân chứng lịch sử còn sống sót đến hôm nay nguyện sẽ đem hết sức lực cuối đời mình cùng với các đồng chí để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam”.

                               =====00=====     
                  Phủ Cam, Phước Vĩnh, TP. Huế tháng 8 năm 2012
  
 Ghi chú: Bài này đã được đăng trên tạp chí “Kiến thức ngày nay”(của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật tp.HCM) số 794, ra ngày 1-9-2012.

Không có nhận xét nào: