CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI TRÍ THỨC
Nguyễn Hồng Trân (cựu GV Đại học Khoa học Huế)
Bác Hồ của chúng ta lúc sinh thời rất quan tâm đến giới trí thức, Người luôn luôn đề cao vai trò của họ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao sự đóng góp tích cực của hàng ngũ trí thức đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân, sự vinh quang của Tổ Quốc. Người luôn luôn khích lệ động viên họ nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, thương dân một cách thường xuyên. Đồng thời Người rất quan tâm khuyên bảo tầng lớp trí thức gần gũi với dân, coi trọng lao động chân tay và kinh nghiệm thực tế; phòng tránh bệnh sĩ diện cá nhân và hình thức chủ nghĩa. Người trí thức chân chính là phải có tài, có đức gắn liền với nhau. Đó là trọng tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với trí thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, trí thức Việt Nam là tầng lớp có học thức, hiểu biết và có tinh thần yêu nước nồng nàn, có ý thức dân tộc cao. Trí thức Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong lực lượng cách mạng. Người nói: “Không có những trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. Bởi vì để hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến, ngoài việc quân sự, ắt phải phát triển kinh tế, cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp. Cần phát triển giao thông vận tải cho nên cần có những kỹ sư thông thạo việc đắp đường, bắc cầu. Cần giữ gìn sức khoẻ của nhân dân, cho nên cần có thầy thuốc. Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành, cho nên cần có thầy giáo… Vì lẽ đó, trí thức có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh thêm, trí thức không những là một bộ phận trong lực lượng cách mạng mà “trí thức còn là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế…”. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được. Người nói: “Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”.
Trí thức phục vụ nhân dân bao giờ cũng cần, “kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên chủ nghĩa xã hội càng cần, tiến lên chủ nghĩa cộng sản lại càng cần”.
Chỉ vài tháng sau khi đất nước giành được độc lập, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Nhân tài và kiến quốc, và một năm sau, Người lại ra chỉ thị tìm người tài đức, trong đó, Người nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số gần 25 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức”. Người cũng nhận khuyết điểm là không thấy được hết các bậc hiền tài, khiến họ không thể hiến thân phụng sự dân tộc và Người yêu cầu các địa phương phải lập tức điều tra, tìm kiếm “những người hiền năng” “người tài đức” có thể làm những việc ích nước lợi dân để báo cáo lên Chính phủ.
Trong bối cảnh Chính phủ gặp muôn vàn khó khăn vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh đã tin tưởng, trao những cương vị quan trọng trong Chính phủ cho trí thức, cả những trí thức đã từng làm việc cho chính quyền cũ như cụ Phan kế Toại, cụ Thái Văn Toản, cụ Bùi Bằng Đoàn v.v…và họ đã thực sự bị thuyết phục, bởi lòng yêu thương con người, sự hy sinh vô bờ bến của Hồ Chủ tịch vì một mục đích cao cả là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…” .
Nhiều trí thức chỉ gặp Hồ Chí Minh đã bị “chinh phục” hoàn toàn bởi phong thái con người của Bác. Cụ Vũ Đình Hoè đã viết trong Hồi ký của mình: “…Tôi đã từng nghe bạn bè nói đến Nguyễn Ái Quốc một cách cung kính, nhưng mãi đến Cách mạng tháng Tám thành công mới được gặp mặt với Người, tức thì tôi bị chinh phục ngay bởi đôi mắt Hồ Chí Minh”.
Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nói: “Bác Hồ luôn luôn chăm sóc và hướng dẫn tôi trong hai cuộc kháng chiến, Bác đã cho tôi cái cương vị để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả nhất. Bác luôn là hình ảnh thiêng liêng rất gần gũi với tôi. Trong tâm khảm tôi, một bên là ba má và anh chị tôi, còn một bên là Bác Hồ”.
Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng đã viết những dòng rất xúc động về Bác Hồ trong Hồi ký của mình:
“Bác ơi! Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”
(theo tài liệu của Trần Đương: Bác Hồ với Nhân sĩ, Trí thức, Nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội, 2005, tr. 140.)
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, trí thức Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng. Có thể kể ra những trí thức làm cách mạng chuyên nghiệp như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai,v.v…
Những trí thức quan lại trong chế độ phong kiến như cụ Thái Văn Toản, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hoè; và nhiều trí thức yêu nước khác như: Nguyễn Mạnh Tường, Lương Đình Của, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Hồ Đắc Di, Hoàng Xuân Sính, Lê Văn Thiêm…Bác Hồ luôn luôn tin tưởng, tôn trọng và đề cao vai trò của họ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Bác Hồ luôn quan tâm đến những diễn biến tình cảm của tầng lớp trí thức. Như sau Đại hội anh hùng và Chiến sĩ thi đua họp ở Việt Bắc vào mùa xuân năm 1952, Bác đã có buổi tiếp chuyện với Luật sư Nguyễn Mạnh Tường một cách trân trọng, thân mật. Trong di cảo hồi ức viết bằng tiếng Pháp của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường do gia đình cung cấp, với bản dịch của Nguyễn Bá Bảo có đoạn ghi:
“Hồ Chủ tịch hỏi tôi, Đại hội này đã gây cho tôi cảm tưởng gì?”
“Thưa chủ tịch, một cảm tưởng mà tôi buộc phải coi là cực kỳ đặc biệt. Làm sao tôi có thể tưởng tượng cây Người có thể sản sinh ra ra những bông hoa tuyệt mỹ như vậy? Làm sao con người bằng xương bằng thịt có thể đạt tới đỉnh cao như vậy của chủ nghĩa anh hùng và lòng cao thượng? Và khi trong mạch máu của họ chảy cùng một mạch máu đang chảy trong mạch máu của tôi…”
Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Mạnh Tường tiếp tục nói: “Thời thơ ấu, tôi đã đọc trong sách lịch sử chuyện những chiến thắng của các anh hùng dân tộc ta đã giành được trong sự nghiệp chống xâm lược ngoại bang. Những trang sử đó, tôi đã đọc đi, đọc lại và mỗi lần tôi đều thấy một niềm say sưa mới”.
Sau khi nghe TS.LS Nguyễn Mạnh Tường nói như vậy, Bác Hồ nhìn vào ông Tường với đôi mắt sáng long lanh đầy niềm vui rồi vuốt chòm râu và nói:
“Con đường mà chú đã trải qua để đi tới kết luận như hiện nay quả là khó khăn và tôi ca ngợi sự thành thật của chú. Con đường đi tới một chân lý càng khó thì khi đi tới chân lý đó, người ta càng tin tưởng…”.
Hình ảnh cao đẹp của Hồ Chí Minh đã thực sự lôi cuốn và cảm hoá được nhiều nhà trí thức, nhân sĩ có tâm đức vì nước, vì dân, vì sự nghiệp độc lập tư do của Tổ quốc.
Xuất phát điểm của Người chính là lòng yêu nước, là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc. Bởi Hồ Chí Minh cho rằng, mọi người Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước, vấn đề là biết khơi gợi khuyến khích được lòng yêu nước trong mỗi con người, để họ tự nguyện đóng góp tài sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Do đó, hoạt động thực tiễn của trí thức có một ý nghĩa rất lớn đối với mọi giai tầng trong xã hội. Vì vậy, Người luôn luôn quan tâm bàn bạc, đề nghị với Chính phủ có phương sách thích hợp tạo điều kiện thuận lợi về đời sống và công việc cho trí thức để họ một lòng một dạ phục vụ cho sự nghiệp thiêng liêng của giang sơn Tổ quốc Việt Nam.
NHT
Huế 5-11-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét