Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

KÝ ỨC VỀ NHỮNG ĐÊM TRẮNG Ở CỐ ĐÔ NƯỚC NGA
                                    *******                                    
                                  Nguyễn Hồng Trân

Trong chặng đường du học nước ngoài của tôi, tôi đã chiêm ngưỡng một hiện tượng đặc biệt ở tại Cố đô nước Nga. Đó là những đêm trắng ở thành phố  Saint Petersburg mà thời kỳ còn Liên Xô cũ gọi là thành phố Lê-Ningrat. Và cứ mỗi lần kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga 7-11 là chúng tôi lại càng nhớ đến Cố đô nước Nga, nhớ “những đêm trắng” ấy.
Tôi đã ở đây về mùa hè năm 1966 và được tận hưởng những đêm trắng thật thú vị mà tôi chưa từng thấy ở nơi nào cả. Đó là những đêm hè của những ngày 24, 25 và 26 tháng 6, bầu trời ban đêm cứ sáng hồng lên như buổi hoàng hôn của ban ngày không mặt trời suốt đêm cho tận đến sáng hôm sau.
Những đêm trắng như thế, không khí của thành phố tưng bừng hẳn lên hơn cả ban ngày. Từng đoàn, từng nhóm thanh niên nam nữ khoác vai nhau đi dọc bờ sông Neva và trên hàng chục chiếc cầu lớn cổ kính đen thẫm, sang trọng, hiền hòa như đang vui với đoàn người qua lại không ngớt trong đêm trắng. Họ vừa đi vừa hát những bài ca trữ tình và sinh động như bài: “Hoa Kalina”, “Tuổi mười tám”, “Cuộc sống ơi, ta mến yêu người”, “Nước Nga thân yêu”, “Lòng mẹ”, “Chiều trên hải cảng” v.v… Tiếng hát cứ vang vang chỗ nầy, chỗ khác và hòa với tiếng đàn phong cầm cất lên lúc trầm, lúc bổng như xoáy vào lòng người những cảm xúc thân thương, trìu mến lạ lùng!…
Chúng tôi những sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam cũng kéo nhau đi cùng với các bạn nam nữ sinh viên các nước đến du học ở đây như người Nga, Đức, Mỹ, Pháp, Cu Ba, Nhật, Inđônêsia…và cũng đều hát với nhau nồng say vui vẻ.
Sau khi chúng tôi đi chơi thăm vườn tượng “mùa hè”, sang thăm con tàu lịch sử “CHIẾN HẠM RẠNG ĐÔNG” -nơi đây vào năm 1917 đã nổ phát súng lệnh đầu tiên để quân cách mạng tiến công vào Cung điện Mùa Đông đánh đổ Chính phủ Nga hoàng giành lấy chính quyền về tay Xô Viết. Đó là cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (theo dương lịch là vào ngày 7-11-1917). Trong chiến hạm này, chúng tôi thấy có hình ảnh của Hồ Chủ tịch mặc y phục thủy thủ Nga chụp ảnh để làm kỷ niệm.
Chúng tôi và nhiều khách du lịch quốc tế cứ đi chơi nhiều nơi trong thành phố rồi đến 01 giờ, mọi người đều về sát cầu Bến cảng để xem chiếc cầu lớn cất hai cánh dựng đứng lên cho các tàu thủy nối đuôi nhau ra cửa biển Ban- Tích. Lúc bấy giờ những chiếc tàu kéo còi rền vang liên tiếp trong đêm trắng như chào đón sang một ngày mới.
Sau những đêm trắng mùa hè như thế, chúng tôi đi chơi đêm về cũng mệt nhưng rất thích thú, vì hiếm có dịp để chiêm ngưỡng những điều kỳ thú đặc biệt của thiên nhiên đã tạo ra ở vùng Cố đô nước Nga cũng như ở nước Phần Lan hiếm có như vậy.
Bây giờ đây chúng tôi đã già yếu sang tuổi U-80 rồi, không dễ gì có được những ngày sang lại Cố đô nước Nga để vui chơi trong những đêm trắng như thời trai trẻ hồn nhiên nữa!
Ôi, thời gian trôi qua, bao ký ức cứ mãi tuôn trào trong cơ thể không bao giờ tắt! Đó chính là cuộc đời và sự sống mà ai cũng có và ai cũng muốn giữ lại những kỷ niệm xưa mãi mãi…
                                ===000===   
Phước Vĩnh, Huế 5-11-2012

Không có nhận xét nào: