Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

NHỚ VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VN

   NHỚ VỀ “NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11”.
                                 **********
                                            Nguyễn Hồng Trân


Hàng năm, cứ đến ngày Nhà giáo 20 tháng 11 là bạn bè chúng tôi thường rủ nhau đến thăm các thầy cô giáo cũ của mình. Mặc dù chúng tôi bây giờ đều là trạc tuổi cũng cao trên 70 cả rồi. Trước đây lớp học trò cũ chúng tôi cũng có người làm chức nọ, quyền kia, địa vị này, địa vị khác... nhưng ai cũng thấm thía rằng “chức vụ, địa vị là tạm thời mà tình người là vĩnh viễn”. Bởi vậy mà chúng tôi không bao giờ quên ơn các thầy cô giáo cũ của mình. Các thầy cũng rất quý mến chúng tôi như thuở nào đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lần nào chúng tôi đến thăm các thầy cô nhân dịp ngày nhà giáo, thầy cô rất vui mừng và xúc động. Có lẽ thầy cô nào cũng nhớ tới cái thời trống trường vang lên sớm chiều sinh động; cái thời thầy trò, trường lớp, bạn bè gắn bó với nhau mật thiết! Quên làm sao được những nét mặt, dáng đi, tà áo của các bạn đồng nghiệp; Quên làm sao được những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của các em học sinh ngây thơ, ngoan ngoãn và tinh nghịch.. Tất cả những hình ảnh, tâm hồn và tình cảm của những ngày học đường xa xôi ấy lại quay về trong tâm trí của các thầy cô rất êm đềm, sâu đậm..

Ôi ! thật là dễ thương và trìu mến ! Có lẽ cả không gian và thời gian ấy bao trùm lên những kỷ niệm thân thương, quý giá nhất của cuộc đời của thầy cô khi làm nghề dạy học. Thầy cô thường dạy bảo các em: “ Tiên học lễ, hậu học văn” ; dạy cho học trò biết luân lý, lễ độ; biết nhiều điều hay, lẽ phải và giàu lòng nhân ái,v,v...Thầy cô cũng thường nhắc nhở chúng tôi chớ đừng sống theo lối “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì ào ào chạy ra” ,hoặc “vắt chanh bỏ vỏ” hay “Đánh trống bỏ dùi”...
Ở nhà trường, chúng tôi được các thầy cô dạy bảo nhiều điều lắm. Các thầy cô không những giảng dạy chúng tôi về những kiến thức văn hóa, khoa học mà dạy cả cách làm người, cách đối nhân xử thế, cách sống với đồng nghiệp và cộng động trong xã hội.
Giờ đây có nhiều thầy cô giáo của chúng tôi từ thời học Trung học phổ thông cho đến Đại học nay không còn trên đời nữa; Cũng có nhiều thầy cô giáo đã già yếu đang sống trong cảnh tuổi hạc chuyển sang những trang cuối với quỹ thời gian của cuộc đời không còn bao năm nữa. Tuy vậy, các thầy cô vẫn yêu đời, vẫn không ngừng suy nghĩ, đúc rút kinh nghiệm qua thực tế cuộc sống, góp ý kiến xây dựng cho Nhà nước, cho ngành giáo dục và đóng góp hữu ích cho những hoạt động của xã hội. Mặt khác có không ít thầy cô tuy tuổi già sức yếu vẫn nhiệt tình tâm huyết với nghề nghiệp còn tham gia giảng dạy,nghiên cứu khoa học, hướng dẫn luận văn, nhằm góp phần nào cho sự nghiệp giáo dục đào tạo các thế hệ sau tiếp tục rèn luyện đạo đức nhân tâm để cống hiến thực sự cho xã hội, đất nước.  Một số thầy cô đã chịu khó viết sách, viết báo để đóng góp cho đời những gì đã tích luỹ được trong những năm tháng giảng dạy ở nhà trường nhằm làm phong phú thêm vấn đề đào tạo cho thế hệ trẻ.
Tôi còn nhớ rất rõ những thầy cô rất đáng kính của chúng tôi thời ở trường cấp II, cấp III phổ thông và cả Đại học ở Bình- Trị -Thiên, ở Nghệ Tĩnh, ở Hà Nội mà chúng tôi đã học qua trước đây như các thầy Thân Trọng Ninh, Đặng Bá Đệ, Trần Nhu, Hoàng Huyền, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Công Tiến, Lê Trần Sửu, Trần Hữu Duy, Nguyễn Hoán, Nguyễn Hoàng Phương, cô Võ Thị Tri Túc, cô Ngọc Anh, cô Kim Anh,v.v… Các thầy cô luôn luôn vì học sinh thân yêu của mình mà đã vượt qua mọi khó khăn vất vả trong đời sống để tập trung trí tuệ, tâm huyết lo giảng dạy cho chúng tôi một cách tận tình, chu đáo. Nhờ vậy mà chúng tôi khi bước vào đời không bị hẫng hụt kiến thức lắm.
Những thầy cô đầy nhiệt huyết với nghề nghiệp giáo dục đào tạo như vậy thật đáng quý, đáng tôn vinh và kính phục biết bao!

Trong dân gian Việt Nam ta còn có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Câu này thật có ý nghĩa sâu rộng đối với cả trò lẫn thầy. Đối với học trò thì phải tìm thầy mà học cho đàng hoàng về mọi mặt cả ý thức làm người và cả văn hoá, chuyên môn nghề nghiệp. Còn đối với người thầy thì làm sao cho xứng đáng với danh dự thầy giáo, nghĩa là không có thầy hướng dẫn chỉ bảo, giảng dạy chu đáo thì học trò khó mà học tốt được; khó mà phát triển trí tuệ và tâm đức con người. Nói một cách thiết thực là không có người thầy thì dù học sinh có tự học theo sách giáo khoa và tài liệu thì cũng không thể hiểu sâu bằng khi có thầy giảng dạy trực tiếp. Vì vậy vai trò của người thầy phải thể hiện rõ nét trong học đường cũng như ngoài xã hội. 
Ngày nay, nền giáo dục của chúng ta đang đổi mới và phát triển toàn diện đồng thời bảo đảm chất lượng đào tạo. Hàng ngũ nhà giáo ngày càng nhiều và trọng trách thật nặng nề và cao cả trong sự nghiệp giáo dục đào tạo cho thế hệ tương lai của đất nước. Chắc chắn rằng các thầy cô ai cũng mong muốn trở thành “những người kỹ sư của tâm hồn” như Viện sĩ giáo dục sư phạm Nga Macarencô đã từng nói. Nếu được như vậy thì thật là danh dự cho vị trí nghề nghiệp của các thầy cô.
Nhưng hiện nay, trên thực tế của xã hội nước ta, không phải thầy cô giáo nào cũng rèn luyện, nuôi dưỡng được niềm vinh dự và tự hào ấy. Có những “con sâu đã làm rầu nồi canh” trong ngành giáo dục. Và giờ đây, cũng không ít loại sâu đã làm đau đầu cái danh dự hàng ngũ đồng nghiệp của các thầy cô. Chúng tôi nghĩ rằng, trong xã hội ta không lẽ nào vì nền kinh tế thị trường mà đã làm méo mó nhân cách quý báu và có truyền thống trong sáng, cao đẹp của các nhà giáo Việt Nam được.
Đạo đức, tinh thần và tình cảm của các thầy cô giáo vẫn mãi mãi là những tấm gương để chúng tôi noi theo; là những chấm son in đậm trong trí óc và tâm hồn của bao thế hệ học trò. Thế hệ trẻ nối tiếp nhau lên đường phụng sự cho nhân dân, Tổ Quốc để xứng đáng với công ơn dạy bảo thành người của các thầy cô.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo 20-tháng 11 năm nay, qua báo chí và đài phát thanh, chúng tôi xin gửi đến quý thầy cô đã về hưu và đương chức đang ở Huế nói riêng và khắp mọi miền của đất nước nói chung những tình cảm chân thành, thắm thiết, biết ơn và trân trọng nhất.
Nhân đây, chúng tôi xin nêu lại hai câu đối ngày xưa mà bạn bè học trò chúng tôi rất tâm đắc:
Học thầy, quý thầy, nghĩa nặng ơn đầy luôn ghi nhớ.
Chơi bạn, thương bạn, tình sâu đức rộng mãi chẳng quên”.
Và cũng xin kính gửi tặng các thầy cô một bài thơ:
              QUÝ NGHIỆP LÁI ĐÒ NGANG
         Nguyễn Hồng Trân (Đại học Huế)
(Kính tặng các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2012)

Làm nghề dạy học thật là sang!
Kiến thức giàu hơn cả bạc vàng.
Hạnh phúc học trò luôn quý mến,
Niềm vui giáo chức thật vinh quang.
Đưa đò tận bến cho yên ổn,
Chở khách sang sông phải vững vàng.
Chịu khó chèo thuyền vượt sóng gió,
Bền lòng quý nghiệp lái đò ngang…
                                NHT                                
                                ===000===
                                                                    
                                Phước Vĩnh, Huế ngày 1-11-2012
   

Không có nhận xét nào: