Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

NẤM MỒ LIỆT SĨ...

                        NẤM MỒ LIỆT SĨ VIỆT NAM

Nấm mồ liệt sĩ Việt Nam,
Xã nào cũng có nghĩa trang thắm tình.
Vì dân, vì nước hy sinh,
Thiệt thòi cho cả gia đình bản thân.
Bà con thân hữu xa gần,
Vô cùng thương tiếc, tri ân đời đời.
Vinh quang đất Việt sáng tươi,
Sức mạnh dân tộc ngời ngời lan xa.
Tổ quốc vang dội bài ca,
Hồn thiêng đất nước đậm đà tình dân.
Các anh vĩnh biệt cõi trần,
Về với tiên tổ thêm phần thiêng liêng.
Giữ gìn sông núi ba miền,
An toàn bờ cõi vững bền ngàn năm...
                    Nguyễn Hồng Trân

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

CHUYỆN VỀ ÔNG THƯƠNG BINH

                      CHUYỆN VỀ ÔNG THƯƠNG BINH
                                     Nguyễn Hồng Trân
Tôi rất thân quen với một ông thương binh tên là Lê Tại. Người làng Thượng Xá, Hải Thương, Hải Lăng, Quảng Trị. Ông ấy hiện nay đang sống ở phường Trường An tp. Huế(2.Ngõ 12.Kiệt 293 Điện Biên Phủ). Ông là một cựu chiến binh thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông Tại là cựu bộ đội trinh sát của Trung đoàn 95. Ông Tại đã bị thương gãy tay phải do bị trúng mìn của đồn giặc ở vùng Thượng Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông thuộc thương binh loạị 51%. Hiện nay tay phải của ông không cầm nắm được các đồ vật, nên ông thường dùng tay trái mà thôi. Tuy ông có khó khăn về thương tích như thế, nhưng ông không bao giờ thấy buồn phiền cho thiệt thòi của mình trong cuộc sống đời thường hàng ngày mà trái lại ông rất yêu đời, yêu cuộc sống hiện tại của mình.

Ông thường nói với bà con và bạn bè rằng: “Tôi luôn thấm thía câu bác Hồ nói: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Tôi còn làm được nhiều việc cho gia đình, quê hương và dân tộc. Hơn nữa tôi nghĩ rằng tôi còn may mắn hơn một số chiến hữu của tôi đã hy sinh trong thời chiến, khi họ còn rất trẻ, chưa có vợ con. Ngay cái đêm làm nhiệm vụ trinh sát đồn giặc, tổ chúng tôi 3 người đi trinh sát bị trúng mìn quân giặc thì hai bạn tôi đã hy sinh tại chỗ, còn tôi bị thương, may mà tôi vẫn còn sống cho đến bây giờ. Thế là phúc lắm rồi!”
Ông  Lê Tại hay nói với mọi người như thế và ông sống rất giản dị, chân thật, không công thần. Ông ấy không bao giờ kêu ca, than thở khi đời sống có khó khăn, chật vật. Tuy hiện nay tiền lương ông còn thấp, nhà cửa thì đơn sơ loại nhà cấp 4, ở khu tập thể cơ quan, nhưng ông vẫn yên tâm sống vui vẻ với người vợ già một cách yêu thương tình cảm.
Tôi không phải là em ruột của ông ấy, nhưng ông bà ấy coi tôi như một người em ruột vậy. Vì tôi có cái duyên được gặp gỡ chuyện trò với ông từ thời còn nhỏ ở quê, cho đến khi ra tập kết ở miền Bắc ở Nghệ -Tĩnh, rồi ra Hà Nội và sau này khi đất nước hòa bình thống nhất Bắc Nam, tôi về Huế dạy trường Đại học Tổng hợp Huế. Gia đình vợ con tôi về Huế, gia đình ông Tại cũng về Huế. Cho nên ông và tôi lại được gần gũi nhau và có nhiều cơ hội chuyện trò tâm sự nhiều chuyện về gia đình, bà con họ hàng, làng xóm. Hàng tuần, tôi đều ghé đến nhà ông bà Tại thăm chơi và đưa sách báo cho ông đọc.
Tuy ông tuổi đã cao (đến 90), nhưng ông rất minh mẫn và thích đọc sách về Lịch sử, Văn hóa-Nghệ thuật. Đặc biệt là ông rất thích ca hát về những bài ca đi theo năm tháng. Mỗi lần đến chơi với ông Tại là hai ông và tôi cùng nhau hát lại những bài ca từ ngày xưa thời trai trẻ và cả những bài về sau này. Những bài ca luôn luôn đọng lại mãi trong lòng chúng tôi là những bài như: Thiên Thai (của Văn Cao), Xuân và Tuổi trẻ(của La Hối), Đàn chim Việt (của Văn Cao), Nụ cười Sơn cước(của Tô Hải), Sơn nữ ca(của Trần Hoàn), Câu hò bên bờ Hiền Lương(của Hoàng Hiệp), Tình ca(Hoàng Việt), Những ánh sao đêm(của Phan Huỳnh Điểu), Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (của Hoàng Vân), Ông thương binh về làng(của Nguyễn Đức Toàn),v.v…
Hiện nay tuy ông tuổi già sức yếu, nhưng ông rất cố gắng sinh hoạt trong câu lạc bộ “Ca hát những bài ca đi cùng năm tháng” của tp. Huế. Câu lạc bộ này do ông nguyễn Thế Linh phụ trách. Mỗi tháng CLB sinh hoạt một lần ca hát cùng nhau rất vui vẻ và họ chia sẻ với nhau qua lời ca, tiếng hát một cách thiết tha, đậm đà tình nghĩa mà quên bớt những lo lắng, ưu phiền riêng tư, gia đình, xã hội…
Vào những dịp lễ Quốc khánh 2-9, lễ Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4, ông rất nhiệt tình đi tập hát mấy buổi liền ở CLB ca hát để kịp biểu diễn vào dịp lễ ở thành phố. Điều đó làm cho tôi rất xúc động. Tôi nghĩ rằng, chắc quỹ thời gian của cuộc đời ông còn quá ngắn ngủi nên ông muốn thể hiện sự cố gắng về tinh thần của ông rất lạc quan yêu đời để cho con cháu ông yên tâm, phấn khởi. Không những thế, ông còn lo chăm sóc sức khỏe cho bà Trần Thị Cưu(vợ ông) khi ốm đau, bệnh tật. Ngoài ra, ông rất quan tâm đến bà con trong khối phố. Ông sống rất gần gũi, tôn trọng ý kiến của dân nên được dân chúng rất quý trọng. Đối với con cháu, ông luôn tâm tình khuyên răn nhẹ nhàng để con cháu biết được điều hay lẽ phải mà sống cho tốt với mọi người, với bà con, xóm làng.
Càng được gần ông Tại, tôi đã học được nhiều đức tính tốt của ông. Nhất là tính bình tĩnh ôn hòa, không bao giờ bức xúc lên tiếng to quát mắng con cháu hoặc nổi nóng với ai cả. Ông dùng những lời lẽ ôn tồn để thuyết phục, khuyên bảo mà thôi. Mặt khác, ông còn là người thương binh rất chịu khó tập thể dục và giữ vệ sinh cho bản thân và nhà cửa của gia đình cũng như của tập thể rất chu đáo.
Nhiều người bà con, bạn bè, quen biết ông và dân chúng trong khu phố đều nói ông là người thương binh rất hiền hậu, mẫu mực trong mọi sinh hoạt, phong trào công tác ở khu dân cư. Thật là xứng đáng là người cựu chiến binh của lính cụ Hồ.
                                         NHT
Khu Đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội 25-7-2013

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

HOA BẠCH QUỲNH HƯƠNG

                               
                                            
 
Hoa quỳnh nở nhẹ trong đêm,
Tôi chờ lúc ấy cùng em ngắm nhìn.
Cánh hoa trắng nõn xinh xinh,
Từ trong cánh lá vươn mình tỏa hương.
Mùi thơm lan tỏa khắp vườn,
Làm say cảnh vật vấn vương phấn tình.
Em cười răng bóng trắng tinh,
Như hoa quỳnh đã dính hình vào em.
Lòng ta chìm đắm trong đêm,
Hương quỳnh êm dịu quyện thêm hương nàng.
Lim dim đôi mắt mơ màng,
Con tim rung động nhịp nhàng bên nhau…
                                               ==00==
                                            Nguyễn Hồng Trân

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Chuyện vui ÔNG GIÁM ĐỐC VÀ CÔ TRỢ LÝ

              Chuyện Vui: ÔNG GIÁM ĐỐC
                         VÀ CÔ TRỢ LÝ THÔNG MINH
                    Nguyễn Hồng Trân (sưu tầm và biên tập)
         
Để chuẩn bị cho một cuộc họp mặt giữa các vị giám đốc của các ngành dịch vụ kinh doanh trong thành phố Đà Nẵng. Cô trợ lý Lương Thị Hồng của ông GĐ Trần Phôi (ở một công ty doanh nghiệp lớn của thành phố)đã chuẩn bị sẵn cho ông những tài liệu cần thiết để ông nắm cụ thể khi cần phát biểu hoặc có ai phỏng vấn. Ông Phôi xem kỹ các tài liệu và ông rất hài lòng sự chuẩn bị chu đáo của cô trợ lý. Ông Phôi đến phòng làm việc với bộ áo quần đẹp, đầu tóc hoa râm thưa thớt được chải dầu láng cóng. Ông ngồi xem lại các tài liệu cần thiết và nhẩm đi nhẩm lại những số liệu cụ thể của công ty ông để khi giao lưu có cái nói cho mạch lạc, tự tin.

Sắp đến giờ họp mặt giao lưu, các quan khách đã đến phòng họp chuyện trò râm ran vui vẻ. Cô trợ lý Hồng lo tiếp trà nước, cà phê mời khách. Khi số khách đến khá đông, cô định gọi điện lên phòng báo cho GĐ xuống chào đón họ cho vui trước khi vào cuộc họp chính thức. Nhưng thấy ông đã xuống và đi vào phòng họp và đi bắt tay mọi người.
Cô trợ lý nhìn thấy ông ăn mặc đẹp đẽ, tiếp xử vẻ mặt tươi vui, cô ta rất tự hào với vị GĐ của mình. Nhưng ôi! Cô ta nhìn thấy quần của GĐ quên kéo phẹc-mơ-tua. Cô đến gần GĐ Vui rồi nói:
          -Thưa GĐ, GĐ đi đã quên đóng gara ôtô.
          -Thế à? Sao cô không đóng giúp cho tôi?
          -Cửa ấy cháu không quen đóng nên khó đóng lại được.
-Vậy à? Thế cô có thấy gì trong gara không?
-Chỉ thấy hai bao cát đen đen và một con mèo mun nằm ngủ trên đó ạ.
-Thôi được, tôi sẽ có cách. Cám ơn cô đã thông báo kịp thời.
Cô trợ lý Hồng trả lời với ông GĐ một cách dí dỏm theo kiểu suy diễn tưởng tượng với ẩn ý tiếu lâm thật là vui. Cô nói xong và mỉm cười hóm hỉnh làm ông ta liên hệ ngay chuyện mình quên kéo đóng lại cửa quần. Ông ta cũng cười vui, mọi người xung quanh hiểu ý cũng phá lên cười. Ông GĐ liền ngồi xuống ghế vừa nói chuyện vừa vội kéo cửa quần lại cho yên tâm.
Sau đó ông cứ mỉm cười hoài và nghĩ bụng cũng khen cho cô trợ lý của mình là quá thông minh và ông cũng thông minh nhận ra được thông tin đột xuất đó.
                                               NHT
Khu Đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội năm 2013

         

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

TẠI SAO QUÊN LÃNG TÊN NGÀI ẤY?


 CỚ SAO QUÊN LÃNG TÊN NGÀI ẤY?...
 

Có nhớ ngày xưa Quảng Trị ơi!
Nguyễn Hoàng trường ấy mất đâu rồi?
Học trò luyến tiếc mồ hôi chảy
Thầy giáo đau buồn nước mắt rơi
Tiên chúa* quyết tâm khai mở đất
Thần dân bền chí giữ yên trời
Cớ sao quên lãng tên Ngài ấy?
Để tiếng lan truyền hận khắp nơi!...
                   Nguyễn Hồng Trân
(Cựu GV trường Đại học Khao học Huế)

Chú thích: Tiên chúa hay Chúa Tiên  Danh hiệu của chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613), thuộc đời đầu tiên của 9 đời chúa Nguyễn. Nguyễn Hoàng(1525-1613) là con đầu của Nguyễn Kim, cháu nội Nguyễn Văn Lựu- quê ở Gia Miêu, Thanh Hóa.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

MẤY NGÀY HÈ LÊN VÙNG TAM ĐẢO

Bút kí:       MẤY NGÀY HÈ LÊN VÙNG TAM ĐẢO
                                         Nguyễn Hồng Trân



Đây Là lần thứ hai tôi đi lên vùng đồi núi Tam Đảo. Lần thứ nhất vào mùa hè năm Giáp Thìn (1964). Lúc đó tôi là một giáo viên trẻ mới 25 tuổi và chưa có vợ con. Tôi đi chơi cùng với một số bạn bè đồng hương Quảng Trị từ trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng lần đi thứ hai này thì tôi đi cùng vợ con, các cháu lên Tam Đảo du lịch và nghỉ dưỡng vài ngày cho thoáng mát, thoải mái tinh thần. Hơn nữa, vợ chồng tôi lại vừa mới chuyển ra hẳn ở Hà Nội với con cháu để nương thân tuổi già khi ốm đau,yếu sức. Do đó, con gái đầu của chúng tôi là Nguyễn Thị Phong Lan đã động viên, khuyến khích chúng tôi đi du ngoạn một chuyến lên miền núi Tam Đảo vui chơi thư giãn. Chuyến đi này có cả con gái út của chúng tôi là Nguyễn Thị Phong Ly và cả hai cháu ngoại là Vũ Minh Trâm và Vũ Đình Đức cùng đi, thật là vui.

Từ Hà Nội lên thị trấn Tam Đảo khoảng gần 80 cây số.Chúng tôi xuất phát bằng ôtô du lịch từ nhà riêng ở tại Khu Đô thị Việt Hưng, Q.Long Biên, Hà Nội từ sáng ngày 11-7-2013. Xe chúng tôi lên đến thành phố Vĩnh Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi ghé vào tham quan Thiền viện Trúc Lâm An Tâm. Thiền viện này mới xây dựng vài năm nay trên một vị trí núi non rất đẹp. Gần trên đỉnh núi có tượng Đức Phật rất lớn nằm nghiêng mình. Tượng Ngài được  phủ áo cà sa màu vàng và mặt hướng về phương Đông, trông rất linh thiêng, hiền hậu.
Sau khi tham quan Thiền viện Trúc Lâm An Tâm này, chúng tôi vào xe đi lên vùng rừng núi Tam Đảo. Đường lên thị trấn Tam Đảo cũng quanh co, ngoằn nghèo như đường lên Đà Lạt, nhưng độ cao của Tam Đảo không bằng  Đà Lạt. Tam Đảo chỉ cao hơn 900 mét so với mặt nước biển. Đặc biệt các núi non ở Tam Đảo có nhiều rừng thông cổ thụ từ thời Pháp vẫn còn. Hàng ngàn cây thông rất to, thân cao vút thẳng lên trời, vỏ cây nâu sần sùi ca rô trông rất uy linh, cổ kính. Xe cứ chạy lượn vòng vèo theo dốc đèo núi non chừng trên 10 cây số thì đến địa điểm khu nghỉ dưỡng Lâu đài ngắm cảnh (Belvedere Resort).
Khu này mới hoàn thành và bắt đầu khai thác du lịch nghỉ dưỡng được 7 năm nay. Chính cái tên gọi khu du lịch nghỉ dưỡng này là dựa vào một cái tên ngày xưa của một biệt thự nghỉ mát sang trọng của người Pháp Alexandrie với cái tên rất hay là Villa de Belle Vue(tức là ngôi biệt thự tầm nhìn tuyệt đẹp).Ngôi biệt thự này nằm trên một vị trí cao nhất ở Tam Đảo. Sau gia đình người Pháp này về nước và ngôi biệt thự đó đã bán rẻ lại cho cụ Hồ Đắc Điềm làm nơi nghỉ mát. (chuyện này do bà Hồ Thể Tần con cụ Điềm kể lại và do nhà báo Phạm Hoàng Hải ghi trong sách: “Tam Đảo miền du lịch đất tâm linh” (trang 66).
Về sau này, tại khu du lịch nghỉ dưỡng Belvedere Resort đã xây lên các biệt thự nhỏ và khách sạn nằm vòng cung trên sườn núi cao. Có xây hồ bơi, cầu treo băng qua dòng thác đổ luồn trong những vòm cây dốc đá núi non. Ta đứng trên núi cao của vùng Tam Đảo phóng tầm mắt nhìn xa xa tận đến chân trời như ta đang lạc vào cõi tiên thiêng liêng,hùng vĩ.
Theo sách của Phạm Hoàng Hải “TAM ĐẢO- MIỀN DU LỊCH ĐẤT TÂM LINH” đã ghi: “Dân gian vùng này xưa nay vẫn tin rằng, vào những đêm trăng sáng, các quần thần, tiên thánh vẫn đi về nơi các ngọn núi Tam Đảo này. Vì thế ba đỉnh núi mới có các tên: Thiên Thị- tức là ngôi chợ của người trên trời; Thạch Bàn là bàn đá nơi các Tiên ông rủ nhau đánh cờ; Phù Nghĩa là nơi các vị nghĩa liệt tìm  được sự phù giúp của cao xanh”.
Chúng tôi đã lên tận trên đỉnh cao nhất của Tam Đảo để ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất trời linh thiêng này thì thấy rừng núi nhấp nhô xen lẫn với những lâu dài, khách sạn, nhà xây đủ các kiểu dáng Tây Tàu, Nhật Việt… không theo một trật tự  nào cả. Có lẽ những cảnh đẹp của thiên nhiên đã lấn át cái kiến trúc xây dựng nhà cửa ở nơi này. Còn đường sá đi quanh núi đồi thì còn hẹp và phố phường ở thị trấn Tam Đảo thì yên bình tĩnh mịch như một bức tranh đơn màu.

Đặc biệt ở vùng Tam Đảo là thường xuyên có biển ngàn mây núi tràn qua. Mây dăng dăng dày đặc khắp rừng cây, sườn núi. Nhiều lúc đang đi trên đường mây cứ lướt qua người, dưới chân như chuyện cổ tích người đi trong mây gió thần tiên…
Về đặc sản vùng Tam Đảo chỉ có nổi bật là rau ngọn su su non mượt. Dân chúng vùng này sống về nghề trồng su su để lấy rau ngọn non đi bán thì kinh tế hơn là chờ có quả. Mỗi cân rau ngon non bây giờ người ta bán gần 10 nghìn đồng. Ngoài trồng rau su su ra, người ta nuôi nhiều loại gà khắp đồi núi. Ở đây có nhiều giống gà thịt thơm ngon. Chúng tôi ăn uống ở khách sạn và cả ăn ở các quán ăn ngoài phố cũng thấy toàn món gà nướng, gà quay, rau su su xào tỏi, canh rau su su với cua rừng…
Buổi sáng và chiều tối, khí hậu ở đây rất mát mẻ, trung bình chỉ 23-25 độ, còn về mùa đông thì rét lạnh hơn Hà Nội 5-6 độ. Cái độc đáo ở vùng này là có ba ngọn núi cao nhô lên quá những tầng mây ở về phía bên tả Đền Hùng, còn bên hữu là các ngọn núi Ba Vì. Điều đó tạo nên một hình thái phong thủy vững bền cho đất Việt trường tồn hưng thịnh.
Các sách báo đã ghi chép lại rằng, vùng Tam Đảo đã được các nhà khoa học Pháp đã phát hiện vùng này từ năm 1905. Sau đó Pháp mới cho khảo sát kỹ mọi điều kiện để tạo nên một vùng nghỉ mát cho các quan lại Pháp và Việt gần 100 dinh thự. Cho đến năm 1936, Tam Đảo mới có thị trấn, nhà nghỉ, nhà thờ đạo. Trước đây Tam Đảo thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến năm 1970 mới thành lập thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo. Nhà cửa ở thị trấn vùng này chỉ cao vài ba tầng, không có nhà cao tầng như các nơi khác. Cảnh rừng cây, muông thú thì đa dạng phong phú nhiều loài. Cứ sáng tinh mơ hay chiều tối là vang tiếng gà nhà gà rừng gáy inh ỏi, bao tiếng chim hót vang lên rộn ràng với đủ giọng thăng trầm, véo von chào bình minh sắp hé sáng và chiều tối thì những âm thanh chim hót lại hối hả, réo rắc như thúc dục, nhắc nhở nhau mau về tổ để hợp đàn mà an nghỉ qua đêm.
Người ta còn kể rằng, ngày xưa ở Tam Đảo còn nghe cả tiếng hổ báo gầm hét trong đêm và cả tiếng lợn kêu, trâu bò rống khi bị hổ báo bắt được kéo đi. Đặc biệt ở rừng Tam Đảo có rất nhiều loại bướm lớn. Trong đó có một loại bướm khổng lồ nhiều màu sắc.# Một số nhà khoa học của nước ngoài đặt mua mỗi con bướm đó (còn nguyên vẹn hoàn toàn cả con) với giá 14-15 triệu đồng. Chắc loại bướm này rất quý giá để làm phiên bản khô của các loài sinh vật hiếm. Dân vùng này đã có vài người đi săn bắt bướm khổng lồ đó để kiếm tiền. Tuy nhiên, làm việc đó không dễ chút nào. Có người đi cả tháng mà cũng không bắt được một con nào. Từ khi có người đặt hàng, người ta chỉ bắt được vài con để bán mà thôi. Nếu con  bướm nào chỉ thiếu một cái râu, cái chân hay một chút khuyết cánh là chỉ bán được cao nhất là một triệu mà thôi. Việc đi săn bắt của hiếm này chỉ có người dân tộc Sán Dìu mới có kinh nghiệm tiến hành thôi. Ở vùng Tam Đảo số người dân tộc Sán Dìu là đông hơn dân tộc Dao, Mông. Họ từ Trung Quốc sang Việt Nam đến 8, 9 đời rồi. Nay họ về sinh sống ở ven vùng chân núi Tam Đảo. Các vị già làng, già bản còn lưu giữ lại một số tài liệu chép tay các thứ lá cây cỏ dùng để chữa bệnh; còn sổ lưu có ghi chép các điệu dân ca và tập tục truyền thống của bản làng từ xưa.

Sau 3 ngày và 2 đêm du lịch Tam Đảo một cách yên ả, thanh bình, thoải mái tinh thần, chúng tôi trở về lại Hà Nội trong không khí rộn ràng tấp nập của chốn đô thành với tiết trời mùa hè oi bức, bụi bặm mà những dòng người ngày đêm vẫn khẩn trương, sôi động. Hẹn dịp hè sau, gia đình chúng tôi sẽ lên du lịch Sa-Pa.
                                                       NHT
                              Hà Nội, cuối hè, năm Quý Tị- 2013

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

HƯƠNG GIANG CHIỀU HÈ

                           HƯƠNG GIANG CHIỀU HÈ
                             Nguyễn Hồng Trân

Chiều hè đứng ngắm Hương Giang,
Trường Tiền duyên dáng mênh mang tâm tình.
Cành phượng đùa gió rung rinh,
Thuyền chèo nhẹ lướt yên bình trên sông.
Nhịp cầu uốn lượn cong cong,
Mấy cô áo tím thong dong đi về.
Cùng nhau trò chuyện thỏa thê,
Chuyện tình, chuyện nghĩa, chuyện quê hương nhà.
Nhìn sang Vỹ Dạ, Đông Ba,
Nhớ bao kỷ niệm đậm đà Huế xưa.
Dòng sông , bến nước, đò đưa,
Giọng hò tha thiết sớm trưa thuở nào.
Những đêm trời sáng đầy sao,
Âm thanh hò Huế thấm vào tim gan.
Tiếng chuông chùa vọng rền vang,
Khơi bao nỗi nhớ xốn xang trong lòng…
                                  Huế năm 2013

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Chuyện vui: CHÀNG NÔNG DÂN VÀ CON VỊT CÒI

        Chuyện vui- CHÀNG NÔNG DÂN VÀ CON VỊT CÒI
                                                      Nguyễn Hồng Trân

Đây là một câu chuyện thật ở vùng Vĩnh Linh, Quảng Trị thời kỳ năm 1955-1956. Hồi đó các phương tiện nghe nhìn rất hiếm hoi. Nhất là đối với dân chúng ở thôn quê chỉ được nghe tin tức hàng ngày qua đài truyền thanh của thôn, xã, thị trấn. Người nào, nhà nào khá thì có radio để nghe dài phát thanh. Thời bấy giờ ở miền Bắc Việt Nam chưa có vô tuyến truyền hình. Do đó, các đội chiếu bóng lưu động về phục vụ cho đồng bào ở nông thôn là rất có giá, rất hấp dẫn đối với dân. Mỗi lần thấy đoàn chiếu bóng về làng, về xã, dựng màn hình trên sân đình hoặc bãi cỏ thì không khí rộn ràng vui tươi hẳn lên khắp thôn xóm, làng quê. Nhất là khi có tiếng loa thông báo của đoàn chiếu bóng về phục vụ cho nhân dân các bộ phim tài liệu, phim chuyện sẽ chiếu đêm nay thì ai cũng phấn khởi. Thế là mọi người sung sướng và tính liệu chiều đi làm về sớm để nấu cơm ăn cho kịp đến nơi xem chiếu bóng.
Nhân dịp sắp đến cái Tết Đoan Ngọ 5-5 âm lịch, Anh Trần Lê Tôn, một nông dân vui tính đã khẩn trương lo chuyện bắt một số vịt đến tuổi xuất chuồng ra khỏi ao hồ đem lên chợ Huyện bán cho kịp thời để tối còn kịp về xem chiếu bóng. Lên đến chợ huyện, anh thấy cũng có rất nhiều người đi bán vịt như anh. Các lồng vịt của những người khác thấy toàn vịt béo, vịt đẹp hơn vịt của nhà anh. Thấy vậy, anh cũng lo cho lồng vịt gần 20 con của anh không biết hôm nay họ có mua được hết không? Vì thế anh rất vui vẻ với khách hàng, chào mời ngon ngọt đê lấy lòng khách:
“Xin mời bà con mua vịt của tôi, loại vịt sạch ở ao hồ, vườn ruộng nhà, loại vịt cỏ thịt thơm ngon, ăn rất bổ thận, mát gan, mát huyết, ăn ngậm mà nghe, ngon lắm! Đến mua cho em đi, ơi bà con đi chợ!”.
Việc quảng cáo hàng của anh nông dân vui tính này làm cho mấy cô bán hàng xung quanh và người đi chợ cũng bật cười. Thế rồi người ta cũng mua cho anh gần hết lồng vịt. Đến chiều gần tắt mặt trời, lồng vịt của anh chỉ còn một con vịt còi chẳng ai thèm mua cả. Vì nó vừa nhỏ vừa gầy gò, cổ nó dài thòng. Anh chờ lâu cũng không ai mua nữa. Anh nói với con vịt còi:
“À ra mi là con vịt còi mà có mạng sống cũng cao đó. Ngày hôm nay, ngày mai mi không bị tử hình là phúc cho mi rồi đó! Trời tha cho mi và mi có duyên lại về sống với nhà tao thêm một thời gian nữa. Thôi tao không cần bán mi nữa, tao đem về giao lại cho bà xã tao nuôi mi cho mau lớn. Sướng chưa con!”.
Anh Tôn nói xong và cười ha hả, làm mọi người xung quanh cũng cười theo. Anh vội vàng đi mua gói xôi lạc vừa đi vừa ăn để kịp ghé vào bãi xem chiếu bóng. Đến bãi chiếu bóng, thấy bà con đã đông đúc ngồi vào rồi nhưng chưa đến giờ chiếu. Anh vội vàng bỏ lồng vịt có con vịt còi trong lồng rồi nói với người soát vé ở cổng:
-Cho tui gửi anh cái lồng có con vịt còi này nhé.
-Ồ, không được đâu, tôi không giữ của cho anh đâu. Vả lại khi người ta đang xem chiếu bóng mà vịt nó rống lên ồn ào thì người ta mắng chết.  
-Thôi được, tôi bắt nó đi theo tôi và lo giữ chặt cổ nó không cho nó kêu rống lên đâu.
-Người ta thấy anh xách con vịt vào là Đội trật tự bãi chiếu sẽ đuổi anh ra ngay.
-Tôi có cách của tôi, họ sẽ không thấy đâu.
Nói xong, anh Tôn sáng kiến mở hàng cúc quần anh đang mặc rồi nhét con vịt còi vào trong quần và cài cúc lại. Một tay anh xỏ vào túi quần cố giữ chặt thân con vịt. Sau đó anh lẻn nhanh vào phía còn hở chỗ trống và liền đặt đôi dép, ngồi xuống ngay.
Buổi chiếu bóng diễn ra yên ổn. Mọi người chăm chú nghe thuyết minh.Ngồi xem lâu, anh Tồn sợ con vịt còi chết ngạt, nên anh mở hết cúc quần và kéo đầu cổ con vịt ra ngoài cho nó thở. Con vịt lúc này chắc là sung sướng được ông chủ chiếu cố cho thư giãn. Nó cứ mở to mắt và cứ đưa cái đầu nhói tới, rụt lui, xoay qua, xoay lại rất tự nhiên.
Ngồi phía trước anh Tồn có hai cô thanh niên đang vừa xem, vừa bóc lạc luộc ra ăn nhóp nhép và thải vỏ ra phía dưới chân. Con vịt còi tưởng bở liền vói cổ dài ra đớp đớp vào mấy vỏ lạc, húc húc mỏ vào đít hai cô gái. Hai cô dật mình nhìn lui trong bóng tối thấy người đàn ông và phía dưới có một cái gì dài dài cử động cứ thúc vào đít các cô. Hai cô hoảng quá, nhưng không dám kêu lên mà liền ngồi dịch ra xa. Anh Tôn liền cầm cổ con vịt còi nhét vào lại trong quần rồi như nói nhỏ với con vịt:
“Tao cho mi ra thở giải lao thế là đủ rồi, mi còn muốn thăm dò mông đít của hai cô gái đó nữa thì bậy quá! Làm tao phải mang tiếng với hai cô là cứ tưởng con vịt giống của tao xông ra quấy rối các cô...”.
Khi tan buổi chiếu bóng, đèn bật sáng lên toàn bãi, mọi người đứng dậy ra về. Hai cô gái nhìn lui người đàn ông lúc nãy ngồi phía sau họ xem là ai, người lạ hay quen? Họ cứ đi theo anh Tồn ra cổng và theo rõi. Anh Tồn đến gần chiếc lồng vịt, rồi mở hết cúc quần lôi con vịt còi ra ngắm một lúc rồi nói to lên: “Vịt còi ơi là vịt còi của tao ơi! Mi được vào xem chiếu bóng, được biết mùi các cô gái, mi ngoan mi không kêu lên để họ khỏi đuổi tao ra khỏi bãi, nhưng nếu mi kêu lên thì hai cô gái sẽ không nghĩ xấu cho tao. Nói xong, anh Tồn bỏ con vịt vào lồng đem về nhà. Lúc đó hai cô gái mới biết rõ chuyện cái gì thúc thúc vào đít hai cô khi đang xem chiếu bóng và ăn lạc luộc, chính là con vịt còi của anh ta. Hai cô dọc đường về mà cứ buồn cười cho anh chàng bán vịt.
Anh Tồn về nhà cũng kể lại cho vợ con nghe chuyện con vịt còi của nhà anh. Cả nhà anh ai cũng cười dòn tan vui vẻ.
                                                      NHT
                                   Viết từ Quảng Trị năm 2010

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

CẬU RUỘT TÔI- PHAN THANH GIÁ...

                              ÔNG PHAN THANH GIÁ
            -CẬU RUỘT TÔI HỒI ẤY VẪN NHƯ MỚI CÒN ĐÂY
                                                               Nguyễn Hồng Trân

Ông Phan Thanh Giá quê ở làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là người cậu ruột tôi mà tôi luôn quý trọng và thương nhớ. Giờ đây tuy ông đã mất lâu rồi nhưng hình ảnh, giọng nói và phong cách xử thế của ông với bạn bè, bà con, cháu chắt  thật là hòa nhã, vui vẻ, cởi mở, thân tình, vẫn như còn in đậm trong tôi mãi mãi.
Tôi có bốn ông cậu ruột con của ông bà ngoại tôi là Phan Thanh Tuân và Lê Thị Hậu. Đó là ông Phan Thanh Thông, Phan Thanh Địch, Phan Thanh Mại và Phan Thanh Giá. Trong đó có ông Giá là ông cậu trai út, em ruột kế mẹ tôi là Phan Thị Cúc (tức Thỉu). Ông Giá được bà ngoại tôi và mấy anh chị trong gia đình rất quan tâm chăm sóc, nuôi nấng cho ăn học thành người. Ông học xong trình độ đậu Thành chung ngày xưa ở kinh thành Huế. Sau đó ông đi làm việc ở Phan Thiết rồi tham gia cánh mạng, có lúc bị Pháp bắt giam tù ở nhà tù. Sau cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, ông làm Chủ tịch UB huyện Hải Lăng và một số chức trách về tư pháp của tỉnh Quảng Trị. Sau ngày hòa bình năm 1954, ông ra Vinh làm Viện trưởng viện Kiểm sát Khu Bốn. Đến năm 1960, ông được điều ra làm Hiệu phó trường Tư Pháp Việt Nam ở Hà Nội. Năm 1977, ông về hưu và chuyển gia đình về quê làng Thượng Xá sinh sống với bà con, họ hàng, làng xóm  để vui vẻ tuổi già.
Mặc dầu ông hưởng lương hưu diện chuyên viên cao cấp, nhưng hoàn cảnh con đông nên cuộc sống của ông cũng chật vật. Mợ tôi là Võ Thị Hằng (người quê làng Thi Ông) cũng phải thường xuyên lao động, gắn bó với ruộng vườn, lo tăng gia sản suất mới đảm bảo cho cuộc sống cả gia đình.
Tuy cuộc sống của cậu mợ tôi hồi ấy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cậu Giá tôi luôn vui vẻ, lạc quan mà không bao giờ có một lời kêu ca, than vãn gì cả. Hàng ngày, ông quan tâm giúp đỡ cho bà vợ việc này việc khác. Ông còn tranh thủ đan lát nhiều thứ đồ dùng trong nhà ở quê như thúng, mủng, rổ, rá, trác, oi… Những việc đó, mợ tôi không thích cậu tôi làm mấy việc nhà quê hạ đẳng như thế. Cứ mỗi lần cậu tôi bày ra chẻ lạt, đan lát là mợ tôi lên tiếng phản đối:
-Thôi mà, ông Phán Giá ơi! Ông đừng làm nhục vợ con nữa. Ông về làng nghỉ hưu, bà con, dân làng coi ông là cán bộ cao cấp TW “lá rụng về cội” là người danh giá. Sao ông không biết giữ điều danh giá đó mà còn tranh nghề dân nghèo đi đan lát?”.
Nghe vợ nói như vậy, ông chỉ cười và nói nhẹ nhàng lại với vợ:
-Mình là người hưu trí, dù là cán bộ cấp cao thì khi về sống giữa quê hương thì đều là thuộc dân làng. Chúng ta phải biết hòa đồng với dân, không sống quan cách như các quan lại ngày xưa. Hơn nữa, mình cũng từ nông dân nghèo mà ra, phải biết làm những việc gì cần thiết nếu ta làm được. Đừng sợ ai chê cười cả. Lao động là vinh quang mà! Ha ha ha…
Nói xong cậu tôi cười một tràng vui vẻ. Mợ tôi thấm thía lời giải thích của chồng nhưng không muốn cười theo.
Tôi còn nhớ một chuyện khá ấn tượng về cậu tôi khi tôi ở Huế về thăm quê mẹ. Lúc tôi vào nhà thăm hỏi, chuyện trò, cậu mợ tôi rất vui. Sau đó, cậu tôi nói với tôi:
-Trân ơi, lâu ngày cháu về chơi ở lại với cậu mợ một vài hôm cho vui nhé.
-Dạ, cháu sẽ ở lại chơi với cậu mợ hôm nay, ngày mai cháu vào Huế.
-Bây giờ cháu ở nhà với mợ, cậu tranh thủ đi có việc đây một giờ rồi cậu về đàm luận với cháu nhiều chuyện cho vui nhé.
-Dạ, nhưng cậu đi đâu mà vội thế? Việc họ hay việc làng vậy?
-Việc nhà mình thôi, nhưng phải đi sớm không thì trưa trời nắng nóng.
Cậu tôi nói xong rồi ra dắt chiếc xe đạp cũ dựng ra giữa sân, phía sau xe có móc hai bên hai cái sọt trác. Tiếp đó, ông cậu đem mấy quả mít chín sau vườn bỏ vào hai sọt rồi vào nhà lấy cái mũ cối đội vào và liền ra sân chuẩn bị đi. Lúc ấy tôi nghĩ rằng chắc câu tôi chở mấy quả mít đi biếu cho bà con những “trái lộc của cây nhà lá vườn”.
-Cậu đi đây một lúc, cháu cứ ở lại đó với mợ.
Cậu tôi vừa nói xong thì mợ tôi ở dưới nhà bếp đi lên nhìn ra sân thấy xe đạp có đèo sọt trác đầy những quả mít chín. Mợ tôi hốt hoảng chạy liền ra sân và la lên:
-Ông ơi, ông định đem những trái mít chín này đi đâu đấy? Sao ông im lặng, chẳng nói gì cho tôi biết cả?
-Có gì đâu! Chuyện nhỏ mà, bà đừng bận tâm. Tôi đi một giờ tôi về ngay thôi.
-Nhưng ông đem đi đâu mới được? Ông định cho ai thì cũng nói cho tôi biết chứ! À tôi biết rồi! Kiểu chở thế này là ông chở ra chợ bán đây. Tôi biết ông tiếc của, vì mít chín nhiều, ăn không hết, xung quanh nhà nào cũng có mít chín, cũng chẳng biết đem cho ai nữa nên ông chở đi chợ phải không? Thôi, tôi lạy ông! Đừng để làng xóm chê cười ông cán bộ cao cấp về hưu mà còn bòn mót!
Lúc ấy cậu tôi chuẩn bị ngồi lên xe đạp đi. Mợ tôi kéo xe lại, không muốn cho câu tôi đi. Hai ông bà dằng co một lát. Bỗng cậu tôi nhìn mợ Hằng tôi rồi nói to lên một cách chậm rải dỏng dạc như đọc một câu ca dao:
-Hằng ơi buông áo anh ra, để anh đi chợ kẻo mà chợ trưa!
Lúc đó tôi thật ngạc nhiên và cũng vui sướng khi thấy cậu mình còn nặng tình với dân ca, tục ngữ quê hương. Và khi nghe như vậy mợ Hằng tôi cũng thấy vui vui vì thấy một người chồng luôn thương vợ, biết chiều vợ và biết dùng những câu vui đùa để làm dịu bớt tình hình khi vợ chồng bất đồng công việc. Sau đó mợ tôi cương quyết kéo xe lại và lấy hết những quả mít chín ra, không cho cậu tôi đi chợ nữa. Thế là là cậu tôi cụt hứng. Kế hoặch đột xuất của cậu tôi không thành. Ông đành ngồi ở nhà chuyện trò với tôi một cách vui vẻ. Ông còn nói:
-Tính của mợ con là thế đó. Tư tưởng còn sĩ diện lắm, không muốn cho ai coi thường gia đình mình, không ai coi khinh chồng mình! Thế là mợ Hằng con rất tốt, rất thương chồng, quý chồng. Cậu rất yêu mợ con lắm.
Sau này cứ mỗi lần về quê mẹ, tôi đều nhớ mãi chuyện đó của cậu tôi mà cứ như mới xẩy ra gần đây thôi. Lúc cậu mợ tôi còn sống, tôi thường kể câu chuyện thật này cho bà con nghe. Ai cũng thấy vui và tình cảm giữa đôi vợ chồng già về hưu sống giữa làng quê yên ấm.

  Quảng Trị, mùa thu năm Nhâm Thìn 2012