Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

MẤY NGÀY HÈ LÊN VÙNG TAM ĐẢO

Bút kí:       MẤY NGÀY HÈ LÊN VÙNG TAM ĐẢO
                                         Nguyễn Hồng Trân



Đây Là lần thứ hai tôi đi lên vùng đồi núi Tam Đảo. Lần thứ nhất vào mùa hè năm Giáp Thìn (1964). Lúc đó tôi là một giáo viên trẻ mới 25 tuổi và chưa có vợ con. Tôi đi chơi cùng với một số bạn bè đồng hương Quảng Trị từ trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng lần đi thứ hai này thì tôi đi cùng vợ con, các cháu lên Tam Đảo du lịch và nghỉ dưỡng vài ngày cho thoáng mát, thoải mái tinh thần. Hơn nữa, vợ chồng tôi lại vừa mới chuyển ra hẳn ở Hà Nội với con cháu để nương thân tuổi già khi ốm đau,yếu sức. Do đó, con gái đầu của chúng tôi là Nguyễn Thị Phong Lan đã động viên, khuyến khích chúng tôi đi du ngoạn một chuyến lên miền núi Tam Đảo vui chơi thư giãn. Chuyến đi này có cả con gái út của chúng tôi là Nguyễn Thị Phong Ly và cả hai cháu ngoại là Vũ Minh Trâm và Vũ Đình Đức cùng đi, thật là vui.

Từ Hà Nội lên thị trấn Tam Đảo khoảng gần 80 cây số.Chúng tôi xuất phát bằng ôtô du lịch từ nhà riêng ở tại Khu Đô thị Việt Hưng, Q.Long Biên, Hà Nội từ sáng ngày 11-7-2013. Xe chúng tôi lên đến thành phố Vĩnh Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi ghé vào tham quan Thiền viện Trúc Lâm An Tâm. Thiền viện này mới xây dựng vài năm nay trên một vị trí núi non rất đẹp. Gần trên đỉnh núi có tượng Đức Phật rất lớn nằm nghiêng mình. Tượng Ngài được  phủ áo cà sa màu vàng và mặt hướng về phương Đông, trông rất linh thiêng, hiền hậu.
Sau khi tham quan Thiền viện Trúc Lâm An Tâm này, chúng tôi vào xe đi lên vùng rừng núi Tam Đảo. Đường lên thị trấn Tam Đảo cũng quanh co, ngoằn nghèo như đường lên Đà Lạt, nhưng độ cao của Tam Đảo không bằng  Đà Lạt. Tam Đảo chỉ cao hơn 900 mét so với mặt nước biển. Đặc biệt các núi non ở Tam Đảo có nhiều rừng thông cổ thụ từ thời Pháp vẫn còn. Hàng ngàn cây thông rất to, thân cao vút thẳng lên trời, vỏ cây nâu sần sùi ca rô trông rất uy linh, cổ kính. Xe cứ chạy lượn vòng vèo theo dốc đèo núi non chừng trên 10 cây số thì đến địa điểm khu nghỉ dưỡng Lâu đài ngắm cảnh (Belvedere Resort).
Khu này mới hoàn thành và bắt đầu khai thác du lịch nghỉ dưỡng được 7 năm nay. Chính cái tên gọi khu du lịch nghỉ dưỡng này là dựa vào một cái tên ngày xưa của một biệt thự nghỉ mát sang trọng của người Pháp Alexandrie với cái tên rất hay là Villa de Belle Vue(tức là ngôi biệt thự tầm nhìn tuyệt đẹp).Ngôi biệt thự này nằm trên một vị trí cao nhất ở Tam Đảo. Sau gia đình người Pháp này về nước và ngôi biệt thự đó đã bán rẻ lại cho cụ Hồ Đắc Điềm làm nơi nghỉ mát. (chuyện này do bà Hồ Thể Tần con cụ Điềm kể lại và do nhà báo Phạm Hoàng Hải ghi trong sách: “Tam Đảo miền du lịch đất tâm linh” (trang 66).
Về sau này, tại khu du lịch nghỉ dưỡng Belvedere Resort đã xây lên các biệt thự nhỏ và khách sạn nằm vòng cung trên sườn núi cao. Có xây hồ bơi, cầu treo băng qua dòng thác đổ luồn trong những vòm cây dốc đá núi non. Ta đứng trên núi cao của vùng Tam Đảo phóng tầm mắt nhìn xa xa tận đến chân trời như ta đang lạc vào cõi tiên thiêng liêng,hùng vĩ.
Theo sách của Phạm Hoàng Hải “TAM ĐẢO- MIỀN DU LỊCH ĐẤT TÂM LINH” đã ghi: “Dân gian vùng này xưa nay vẫn tin rằng, vào những đêm trăng sáng, các quần thần, tiên thánh vẫn đi về nơi các ngọn núi Tam Đảo này. Vì thế ba đỉnh núi mới có các tên: Thiên Thị- tức là ngôi chợ của người trên trời; Thạch Bàn là bàn đá nơi các Tiên ông rủ nhau đánh cờ; Phù Nghĩa là nơi các vị nghĩa liệt tìm  được sự phù giúp của cao xanh”.
Chúng tôi đã lên tận trên đỉnh cao nhất của Tam Đảo để ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất trời linh thiêng này thì thấy rừng núi nhấp nhô xen lẫn với những lâu dài, khách sạn, nhà xây đủ các kiểu dáng Tây Tàu, Nhật Việt… không theo một trật tự  nào cả. Có lẽ những cảnh đẹp của thiên nhiên đã lấn át cái kiến trúc xây dựng nhà cửa ở nơi này. Còn đường sá đi quanh núi đồi thì còn hẹp và phố phường ở thị trấn Tam Đảo thì yên bình tĩnh mịch như một bức tranh đơn màu.

Đặc biệt ở vùng Tam Đảo là thường xuyên có biển ngàn mây núi tràn qua. Mây dăng dăng dày đặc khắp rừng cây, sườn núi. Nhiều lúc đang đi trên đường mây cứ lướt qua người, dưới chân như chuyện cổ tích người đi trong mây gió thần tiên…
Về đặc sản vùng Tam Đảo chỉ có nổi bật là rau ngọn su su non mượt. Dân chúng vùng này sống về nghề trồng su su để lấy rau ngọn non đi bán thì kinh tế hơn là chờ có quả. Mỗi cân rau ngon non bây giờ người ta bán gần 10 nghìn đồng. Ngoài trồng rau su su ra, người ta nuôi nhiều loại gà khắp đồi núi. Ở đây có nhiều giống gà thịt thơm ngon. Chúng tôi ăn uống ở khách sạn và cả ăn ở các quán ăn ngoài phố cũng thấy toàn món gà nướng, gà quay, rau su su xào tỏi, canh rau su su với cua rừng…
Buổi sáng và chiều tối, khí hậu ở đây rất mát mẻ, trung bình chỉ 23-25 độ, còn về mùa đông thì rét lạnh hơn Hà Nội 5-6 độ. Cái độc đáo ở vùng này là có ba ngọn núi cao nhô lên quá những tầng mây ở về phía bên tả Đền Hùng, còn bên hữu là các ngọn núi Ba Vì. Điều đó tạo nên một hình thái phong thủy vững bền cho đất Việt trường tồn hưng thịnh.
Các sách báo đã ghi chép lại rằng, vùng Tam Đảo đã được các nhà khoa học Pháp đã phát hiện vùng này từ năm 1905. Sau đó Pháp mới cho khảo sát kỹ mọi điều kiện để tạo nên một vùng nghỉ mát cho các quan lại Pháp và Việt gần 100 dinh thự. Cho đến năm 1936, Tam Đảo mới có thị trấn, nhà nghỉ, nhà thờ đạo. Trước đây Tam Đảo thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến năm 1970 mới thành lập thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo. Nhà cửa ở thị trấn vùng này chỉ cao vài ba tầng, không có nhà cao tầng như các nơi khác. Cảnh rừng cây, muông thú thì đa dạng phong phú nhiều loài. Cứ sáng tinh mơ hay chiều tối là vang tiếng gà nhà gà rừng gáy inh ỏi, bao tiếng chim hót vang lên rộn ràng với đủ giọng thăng trầm, véo von chào bình minh sắp hé sáng và chiều tối thì những âm thanh chim hót lại hối hả, réo rắc như thúc dục, nhắc nhở nhau mau về tổ để hợp đàn mà an nghỉ qua đêm.
Người ta còn kể rằng, ngày xưa ở Tam Đảo còn nghe cả tiếng hổ báo gầm hét trong đêm và cả tiếng lợn kêu, trâu bò rống khi bị hổ báo bắt được kéo đi. Đặc biệt ở rừng Tam Đảo có rất nhiều loại bướm lớn. Trong đó có một loại bướm khổng lồ nhiều màu sắc.# Một số nhà khoa học của nước ngoài đặt mua mỗi con bướm đó (còn nguyên vẹn hoàn toàn cả con) với giá 14-15 triệu đồng. Chắc loại bướm này rất quý giá để làm phiên bản khô của các loài sinh vật hiếm. Dân vùng này đã có vài người đi săn bắt bướm khổng lồ đó để kiếm tiền. Tuy nhiên, làm việc đó không dễ chút nào. Có người đi cả tháng mà cũng không bắt được một con nào. Từ khi có người đặt hàng, người ta chỉ bắt được vài con để bán mà thôi. Nếu con  bướm nào chỉ thiếu một cái râu, cái chân hay một chút khuyết cánh là chỉ bán được cao nhất là một triệu mà thôi. Việc đi săn bắt của hiếm này chỉ có người dân tộc Sán Dìu mới có kinh nghiệm tiến hành thôi. Ở vùng Tam Đảo số người dân tộc Sán Dìu là đông hơn dân tộc Dao, Mông. Họ từ Trung Quốc sang Việt Nam đến 8, 9 đời rồi. Nay họ về sinh sống ở ven vùng chân núi Tam Đảo. Các vị già làng, già bản còn lưu giữ lại một số tài liệu chép tay các thứ lá cây cỏ dùng để chữa bệnh; còn sổ lưu có ghi chép các điệu dân ca và tập tục truyền thống của bản làng từ xưa.

Sau 3 ngày và 2 đêm du lịch Tam Đảo một cách yên ả, thanh bình, thoải mái tinh thần, chúng tôi trở về lại Hà Nội trong không khí rộn ràng tấp nập của chốn đô thành với tiết trời mùa hè oi bức, bụi bặm mà những dòng người ngày đêm vẫn khẩn trương, sôi động. Hẹn dịp hè sau, gia đình chúng tôi sẽ lên du lịch Sa-Pa.
                                                       NHT
                              Hà Nội, cuối hè, năm Quý Tị- 2013

Không có nhận xét nào: