CHUYỆN VỀ ÔNG THƯƠNG BINH
Nguyễn Hồng Trân
Tôi rất thân quen với một ông thương binh tên là Lê Tại. Người làng Thượng Xá, Hải Thương, Hải Lăng, Quảng Trị. Ông ấy hiện nay đang sống ở phường Trường An tp. Huế(2.Ngõ 12.Kiệt 293 Điện Biên Phủ). Ông là một cựu chiến binh thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông Tại là cựu bộ đội trinh sát của Trung đoàn 95. Ông Tại đã bị thương gãy tay phải do bị trúng mìn của đồn giặc ở vùng Thượng Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông thuộc thương binh loạị 51%. Hiện nay tay phải của ông không cầm nắm được các đồ vật, nên ông thường dùng tay trái mà thôi. Tuy ông có khó khăn về thương tích như thế, nhưng ông không bao giờ thấy buồn phiền cho thiệt thòi của mình trong cuộc sống đời thường hàng ngày mà trái lại ông rất yêu đời, yêu cuộc sống hiện tại của mình.
Ông thường nói với bà con và bạn bè rằng: “Tôi luôn thấm thía câu bác Hồ nói: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Tôi còn làm được nhiều việc cho gia đình, quê hương và dân tộc. Hơn nữa tôi nghĩ rằng tôi còn may mắn hơn một số chiến hữu của tôi đã hy sinh trong thời chiến, khi họ còn rất trẻ, chưa có vợ con. Ngay cái đêm làm nhiệm vụ trinh sát đồn giặc, tổ chúng tôi 3 người đi trinh sát bị trúng mìn quân giặc thì hai bạn tôi đã hy sinh tại chỗ, còn tôi bị thương, may mà tôi vẫn còn sống cho đến bây giờ. Thế là phúc lắm rồi!”
Ông Lê Tại hay nói với mọi người như thế và ông sống rất giản dị, chân thật, không công thần. Ông ấy không bao giờ kêu ca, than thở khi đời sống có khó khăn, chật vật. Tuy hiện nay tiền lương ông còn thấp, nhà cửa thì đơn sơ loại nhà cấp 4, ở khu tập thể cơ quan, nhưng ông vẫn yên tâm sống vui vẻ với người vợ già một cách yêu thương tình cảm.
Tôi không phải là em ruột của ông ấy, nhưng ông bà ấy coi tôi như một người em ruột vậy. Vì tôi có cái duyên được gặp gỡ chuyện trò với ông từ thời còn nhỏ ở quê, cho đến khi ra tập kết ở miền Bắc ở Nghệ -Tĩnh, rồi ra Hà Nội và sau này khi đất nước hòa bình thống nhất Bắc Nam, tôi về Huế dạy trường Đại học Tổng hợp Huế. Gia đình vợ con tôi về Huế, gia đình ông Tại cũng về Huế. Cho nên ông và tôi lại được gần gũi nhau và có nhiều cơ hội chuyện trò tâm sự nhiều chuyện về gia đình, bà con họ hàng, làng xóm. Hàng tuần, tôi đều ghé đến nhà ông bà Tại thăm chơi và đưa sách báo cho ông đọc.
Tuy ông tuổi đã cao (đến 90), nhưng ông rất minh mẫn và thích đọc sách về Lịch sử, Văn hóa-Nghệ thuật. Đặc biệt là ông rất thích ca hát về những bài ca đi theo năm tháng. Mỗi lần đến chơi với ông Tại là hai ông và tôi cùng nhau hát lại những bài ca từ ngày xưa thời trai trẻ và cả những bài về sau này. Những bài ca luôn luôn đọng lại mãi trong lòng chúng tôi là những bài như: Thiên Thai (của Văn Cao), Xuân và Tuổi trẻ(của La Hối), Đàn chim Việt (của Văn Cao), Nụ cười Sơn cước(của Tô Hải), Sơn nữ ca(của Trần Hoàn), Câu hò bên bờ Hiền Lương(của Hoàng Hiệp), Tình ca(Hoàng Việt), Những ánh sao đêm(của Phan Huỳnh Điểu), Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (của Hoàng Vân), Ông thương binh về làng(của Nguyễn Đức Toàn),v.v…
Hiện nay tuy ông tuổi già sức yếu, nhưng ông rất cố gắng sinh hoạt trong câu lạc bộ “Ca hát những bài ca đi cùng năm tháng” của tp. Huế. Câu lạc bộ này do ông nguyễn Thế Linh phụ trách. Mỗi tháng CLB sinh hoạt một lần ca hát cùng nhau rất vui vẻ và họ chia sẻ với nhau qua lời ca, tiếng hát một cách thiết tha, đậm đà tình nghĩa mà quên bớt những lo lắng, ưu phiền riêng tư, gia đình, xã hội…
Vào những dịp lễ Quốc khánh 2-9, lễ Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4, ông rất nhiệt tình đi tập hát mấy buổi liền ở CLB ca hát để kịp biểu diễn vào dịp lễ ở thành phố. Điều đó làm cho tôi rất xúc động. Tôi nghĩ rằng, chắc quỹ thời gian của cuộc đời ông còn quá ngắn ngủi nên ông muốn thể hiện sự cố gắng về tinh thần của ông rất lạc quan yêu đời để cho con cháu ông yên tâm, phấn khởi. Không những thế, ông còn lo chăm sóc sức khỏe cho bà Trần Thị Cưu(vợ ông) khi ốm đau, bệnh tật. Ngoài ra, ông rất quan tâm đến bà con trong khối phố. Ông sống rất gần gũi, tôn trọng ý kiến của dân nên được dân chúng rất quý trọng. Đối với con cháu, ông luôn tâm tình khuyên răn nhẹ nhàng để con cháu biết được điều hay lẽ phải mà sống cho tốt với mọi người, với bà con, xóm làng.
Càng được gần ông Tại, tôi đã học được nhiều đức tính tốt của ông. Nhất là tính bình tĩnh ôn hòa, không bao giờ bức xúc lên tiếng to quát mắng con cháu hoặc nổi nóng với ai cả. Ông dùng những lời lẽ ôn tồn để thuyết phục, khuyên bảo mà thôi. Mặt khác, ông còn là người thương binh rất chịu khó tập thể dục và giữ vệ sinh cho bản thân và nhà cửa của gia đình cũng như của tập thể rất chu đáo.
Nhiều người bà con, bạn bè, quen biết ông và dân chúng trong khu phố đều nói ông là người thương binh rất hiền hậu, mẫu mực trong mọi sinh hoạt, phong trào công tác ở khu dân cư. Thật là xứng đáng là người cựu chiến binh của lính cụ Hồ.
NHT
Khu Đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội 25-7-2013
Khu Đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội 25-7-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét