Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

CẬU RUỘT TÔI- PHAN THANH GIÁ...

                              ÔNG PHAN THANH GIÁ
            -CẬU RUỘT TÔI HỒI ẤY VẪN NHƯ MỚI CÒN ĐÂY
                                                               Nguyễn Hồng Trân

Ông Phan Thanh Giá quê ở làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là người cậu ruột tôi mà tôi luôn quý trọng và thương nhớ. Giờ đây tuy ông đã mất lâu rồi nhưng hình ảnh, giọng nói và phong cách xử thế của ông với bạn bè, bà con, cháu chắt  thật là hòa nhã, vui vẻ, cởi mở, thân tình, vẫn như còn in đậm trong tôi mãi mãi.
Tôi có bốn ông cậu ruột con của ông bà ngoại tôi là Phan Thanh Tuân và Lê Thị Hậu. Đó là ông Phan Thanh Thông, Phan Thanh Địch, Phan Thanh Mại và Phan Thanh Giá. Trong đó có ông Giá là ông cậu trai út, em ruột kế mẹ tôi là Phan Thị Cúc (tức Thỉu). Ông Giá được bà ngoại tôi và mấy anh chị trong gia đình rất quan tâm chăm sóc, nuôi nấng cho ăn học thành người. Ông học xong trình độ đậu Thành chung ngày xưa ở kinh thành Huế. Sau đó ông đi làm việc ở Phan Thiết rồi tham gia cánh mạng, có lúc bị Pháp bắt giam tù ở nhà tù. Sau cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, ông làm Chủ tịch UB huyện Hải Lăng và một số chức trách về tư pháp của tỉnh Quảng Trị. Sau ngày hòa bình năm 1954, ông ra Vinh làm Viện trưởng viện Kiểm sát Khu Bốn. Đến năm 1960, ông được điều ra làm Hiệu phó trường Tư Pháp Việt Nam ở Hà Nội. Năm 1977, ông về hưu và chuyển gia đình về quê làng Thượng Xá sinh sống với bà con, họ hàng, làng xóm  để vui vẻ tuổi già.
Mặc dầu ông hưởng lương hưu diện chuyên viên cao cấp, nhưng hoàn cảnh con đông nên cuộc sống của ông cũng chật vật. Mợ tôi là Võ Thị Hằng (người quê làng Thi Ông) cũng phải thường xuyên lao động, gắn bó với ruộng vườn, lo tăng gia sản suất mới đảm bảo cho cuộc sống cả gia đình.
Tuy cuộc sống của cậu mợ tôi hồi ấy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cậu Giá tôi luôn vui vẻ, lạc quan mà không bao giờ có một lời kêu ca, than vãn gì cả. Hàng ngày, ông quan tâm giúp đỡ cho bà vợ việc này việc khác. Ông còn tranh thủ đan lát nhiều thứ đồ dùng trong nhà ở quê như thúng, mủng, rổ, rá, trác, oi… Những việc đó, mợ tôi không thích cậu tôi làm mấy việc nhà quê hạ đẳng như thế. Cứ mỗi lần cậu tôi bày ra chẻ lạt, đan lát là mợ tôi lên tiếng phản đối:
-Thôi mà, ông Phán Giá ơi! Ông đừng làm nhục vợ con nữa. Ông về làng nghỉ hưu, bà con, dân làng coi ông là cán bộ cao cấp TW “lá rụng về cội” là người danh giá. Sao ông không biết giữ điều danh giá đó mà còn tranh nghề dân nghèo đi đan lát?”.
Nghe vợ nói như vậy, ông chỉ cười và nói nhẹ nhàng lại với vợ:
-Mình là người hưu trí, dù là cán bộ cấp cao thì khi về sống giữa quê hương thì đều là thuộc dân làng. Chúng ta phải biết hòa đồng với dân, không sống quan cách như các quan lại ngày xưa. Hơn nữa, mình cũng từ nông dân nghèo mà ra, phải biết làm những việc gì cần thiết nếu ta làm được. Đừng sợ ai chê cười cả. Lao động là vinh quang mà! Ha ha ha…
Nói xong cậu tôi cười một tràng vui vẻ. Mợ tôi thấm thía lời giải thích của chồng nhưng không muốn cười theo.
Tôi còn nhớ một chuyện khá ấn tượng về cậu tôi khi tôi ở Huế về thăm quê mẹ. Lúc tôi vào nhà thăm hỏi, chuyện trò, cậu mợ tôi rất vui. Sau đó, cậu tôi nói với tôi:
-Trân ơi, lâu ngày cháu về chơi ở lại với cậu mợ một vài hôm cho vui nhé.
-Dạ, cháu sẽ ở lại chơi với cậu mợ hôm nay, ngày mai cháu vào Huế.
-Bây giờ cháu ở nhà với mợ, cậu tranh thủ đi có việc đây một giờ rồi cậu về đàm luận với cháu nhiều chuyện cho vui nhé.
-Dạ, nhưng cậu đi đâu mà vội thế? Việc họ hay việc làng vậy?
-Việc nhà mình thôi, nhưng phải đi sớm không thì trưa trời nắng nóng.
Cậu tôi nói xong rồi ra dắt chiếc xe đạp cũ dựng ra giữa sân, phía sau xe có móc hai bên hai cái sọt trác. Tiếp đó, ông cậu đem mấy quả mít chín sau vườn bỏ vào hai sọt rồi vào nhà lấy cái mũ cối đội vào và liền ra sân chuẩn bị đi. Lúc ấy tôi nghĩ rằng chắc câu tôi chở mấy quả mít đi biếu cho bà con những “trái lộc của cây nhà lá vườn”.
-Cậu đi đây một lúc, cháu cứ ở lại đó với mợ.
Cậu tôi vừa nói xong thì mợ tôi ở dưới nhà bếp đi lên nhìn ra sân thấy xe đạp có đèo sọt trác đầy những quả mít chín. Mợ tôi hốt hoảng chạy liền ra sân và la lên:
-Ông ơi, ông định đem những trái mít chín này đi đâu đấy? Sao ông im lặng, chẳng nói gì cho tôi biết cả?
-Có gì đâu! Chuyện nhỏ mà, bà đừng bận tâm. Tôi đi một giờ tôi về ngay thôi.
-Nhưng ông đem đi đâu mới được? Ông định cho ai thì cũng nói cho tôi biết chứ! À tôi biết rồi! Kiểu chở thế này là ông chở ra chợ bán đây. Tôi biết ông tiếc của, vì mít chín nhiều, ăn không hết, xung quanh nhà nào cũng có mít chín, cũng chẳng biết đem cho ai nữa nên ông chở đi chợ phải không? Thôi, tôi lạy ông! Đừng để làng xóm chê cười ông cán bộ cao cấp về hưu mà còn bòn mót!
Lúc ấy cậu tôi chuẩn bị ngồi lên xe đạp đi. Mợ tôi kéo xe lại, không muốn cho câu tôi đi. Hai ông bà dằng co một lát. Bỗng cậu tôi nhìn mợ Hằng tôi rồi nói to lên một cách chậm rải dỏng dạc như đọc một câu ca dao:
-Hằng ơi buông áo anh ra, để anh đi chợ kẻo mà chợ trưa!
Lúc đó tôi thật ngạc nhiên và cũng vui sướng khi thấy cậu mình còn nặng tình với dân ca, tục ngữ quê hương. Và khi nghe như vậy mợ Hằng tôi cũng thấy vui vui vì thấy một người chồng luôn thương vợ, biết chiều vợ và biết dùng những câu vui đùa để làm dịu bớt tình hình khi vợ chồng bất đồng công việc. Sau đó mợ tôi cương quyết kéo xe lại và lấy hết những quả mít chín ra, không cho cậu tôi đi chợ nữa. Thế là là cậu tôi cụt hứng. Kế hoặch đột xuất của cậu tôi không thành. Ông đành ngồi ở nhà chuyện trò với tôi một cách vui vẻ. Ông còn nói:
-Tính của mợ con là thế đó. Tư tưởng còn sĩ diện lắm, không muốn cho ai coi thường gia đình mình, không ai coi khinh chồng mình! Thế là mợ Hằng con rất tốt, rất thương chồng, quý chồng. Cậu rất yêu mợ con lắm.
Sau này cứ mỗi lần về quê mẹ, tôi đều nhớ mãi chuyện đó của cậu tôi mà cứ như mới xẩy ra gần đây thôi. Lúc cậu mợ tôi còn sống, tôi thường kể câu chuyện thật này cho bà con nghe. Ai cũng thấy vui và tình cảm giữa đôi vợ chồng già về hưu sống giữa làng quê yên ấm.

  Quảng Trị, mùa thu năm Nhâm Thìn 2012                  

1 nhận xét:

Lê Ngọc Quốc nói...

Kính thưa Bác! Cháu là dân Quảng Trị tha hương từ lâu lắm! mong mõi tìm hiểu về quê cha đất tổ luôn cồn cào trong dạ. được biết Bác qua thơ Bác giao lưu với Nguyễn Như Khoa (Cháu có bà con với Eng Khoa)cháu đường đột xin được giao lưu với Bác nhằm tìm hiểu thêm về quê hương xứ sở.Nếu tiện mời Bác vào trang blog http://quemequangtrihungnhon.blogspot.com/
xem và chỉ giáo,chúc Bác và gia đình nhiều sức khỏe! Lê Ngọc Quốc