Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ TRỌNG ĐẠI Ở HUẾ NĂM 1945

MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ TRỌNG ĐẠI TẠI HUẾ
-VUA BẢO ĐẠI THOÁI VỊ  NGÀY 30-8-1945
******       
   Nguyễn Hồng Trân

         Trong những ngày cách mạng tháng 8 xẩy ra ở Huế, ba tôi (Nguyễn Chương- Cai lính Khố vàng Đại nội Huế) ít khi ở nhà. Một thời gian sau tôi mới biết ba tôi được phân công trong đội lính Khố vàng để lo canh gác bảo vệ Kỳ đài Kinh thành Huế. Sau đó, nghe ba tôi nói rằng, vua Bảo Đại ra lệnh cho lính Khố vàng để yên cho quân cách mạng hạ cờ vàng Nam triều xuống và kéo cờ đỏ sao vàng của Cách mạng lên đỉnh cột cờ trước Quảng trường Ngọ môn. Việc này, về sau tôi mới biết qua sách báo là do ông Đặng Văn Việt (thuộc đơn vị ông Cao Pha)  thực hiện.

Bắt đầu từ chiều ngày 25-8, nhiều người kéo đến Phu Văn Lâu để xem tờ Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại (Tờ chiếu này vua sai ông Tổng lý văn phòng-Phạm Khắc Hoè dự thảo và đã thông qua (có sữa đổi) tại cuộc họp Nội các do vua Bảo Đại chủ toạ và gồm có các ông: Trần Trọng Kim, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Trịnh Đình Thảo, Vũ Văn Hiền và Nguyễn Hữu Thí). Trong đó có đoạn:  “Mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm mới gần gũi quốc dân được mấy tháng, chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng  quả quyết thoái vị để nhường quyền quốc dân lại cho Chính phủ Dân chủ Cộng hoà ... Trẫm ưng làm dân một nước độc lập, hơn làm vua một nước nô lệ”.
Đọc xong đoạn này, nhiều người trầm trồ khen ngợi rằng, vua Bảo Đại đã nói được một câu bất hủ.
         Chiều ngày 30 tháng 8 năm 1945, một sự kiện lịch sử trọng đại tại Huế đã chuyển mình. Đó là Lễ Thoái vị chính thức của vua Bảo Đại tại lầu Ngũ Phụng Cửa Ngọ Môn (Đại Nội của Kinh thành Huế). Mọi người dân chộn rộn từ sáng đến chiều. Hồi đó tôi mới học lớp nhì. Mẹ tôi không cho đi tự do với bọn trẻ con mà dắt tôi cầm cờ đi theo bà con trong phường Huệ An ra dự lễ. Sân cột cờ và quanh cửa Ngọ Môn người dày đặc chờ đón Đoàn Đại diện Chính Phủ Lâm thời vào dự lễ thoái vị của nhà vua. Khoảng 3 giờ chiều toán xe con chở Đoàn từ từ chạy vào cổng giữa Ngọ Môn giữa tiếng reo hò vang dội của cả biển người đang hăm hở chờ mong. Trên lầu Ngọ Môn, vua Bảo Đại y phục chỉnh tề đứng lên chào đón Đoàn. Tiếng hoan hô cùng với khẩu hiệu “Việt Nam muôn năm!", “Hồ Chí Minh muôn năm!". "Hoan hô nhà vua thoái vị!"... làm rung động cả kinh thành. Sau đó buổi lễ chính thức bắt đầu. Ban tổ chức giới thiệu Đoàn đại biểu gồm có: Ông Trần Huy Liệu (Trưởng đoàn), ông Nguyễn Lương Bằng, ông Cù Huy Cận…
         Đầu tiên ông Liệu đọc lệnh của Chính phủ cử đoàn vào tiếp nhận lễ thoái vị của nhà vua . Sau đó Bảo Đại đọc bài Chiếu thoái vị. Giọng vua dỏng dạc trầm vang, Có lúc nghẹn ngào, xúc động. Trong đó có đoạn: “Còn về phần riêng Trẫm, sau 20 năm ngai vàng, bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng, nuốt cay... Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa...”
“ Việt Nam độc lập muôn năm !
Dân chủ cộng hoà muôn năm !...”
         Khi Bảo Đại dứt lời thì trên kỳ đài cờ vàng nhà vua từ từ hạ xuống. Mấy phát lệnh nổ ầm vang. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được kéo lên tung bay theo gió chiều lồng lộng giữa Kinh thành Huế trong tiếng hò reo như sấm dậy của hàng vạn đồng bào tham dự buổi lễ.
         Tiếp đến, Bảo Đại thực hiện thủ tục trao cho Trưởng đoàn chính phủ chiếc Quốc Ấn bằng vàng nặng hơn chục cân và thanh Quốc Kiếm để trong bao vỏ bằng vàng có nạm ngọc.
         Nhận ấn kiếm xong, ông Trần Huy Liệu đọc lời phát biểu tiếp nhận sự thoái vị của nhà vua. Trong đó có đoạn: "Lịch sử nước nhà đã tới một giai đoạn mới: Chính phủ đế chế phải nhường chỗ cho chính thể dân chủ cộng hoà. Đó là nguyện vọng chung của toàn thể quốc dân...".         
 ... "Anh chị em hãy cùng tôi hô to:
         Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm !
         Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Muôn năm ! "

Hàng vạn người dự lễ đều hô to vang trời:  “Muôn năm !"
         Theo đề nghị của Bảo Đại trong lễ thoái vị này, ông muốn có một vật kỷ niệm của Chính phủ Lâm thời, nhưng hoàn cảnh lúc đó Chính phủ Cách mạng lâm thời cũng chưa kịp chuẩn bị một vật gì thích hợp để kỷ niệm cho nhà vua lúc thoái vị.Vì vậy, ông Cù Huy Cận thay mặt đoàn Chính phủ, trao tặng một huy hiệu Cờ đỏ sao vàng rồi quay ra nói với đồng bào: "Chính phủ lâm thời trao cho công dân Vĩnh Thụy huy hiệu Cờ đỏ sao vàng. Xin đồng bào hoan nghênh công dân Vĩnh Thụy".
Mọi người vỗ  tay  hoan hô !...

          Lễ thoái vị của ông vua cuối cùng của Triều Nguyễn kết thúc. Cựu hoàng Bảo đại tươi cười giơ tay vẫy chào đồng bào rồi xuống khỏi lễ đài, liền cởi bỏ y phục nhà vua và lên xe ra về.
          Đoàn đại biểu đại diện cho Chính phủ Cách mạng lâm thời đã thực hiện thành công tốt đẹp nhiệm vụ trọng đại của đất nước Việt Nam trong buổi lễ công nhận thoái vị của nhà vua và tiếp nhận Ấn kiếm của nhà vua trao lại cho Chính phủ mới.

Thế là đất nước Việt Nam đã chấm dứt chế độ phong kiến, quân chủ đã kéo dài quá lâu và từ nay dân tộc ta đã chuyển sang một trang sử mới, một chế độ mới, chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
                                         =====
                                      



TIẾNG RAO CHÈ HUẾ TRONG ĐÊM...

           TIẾNG RAO CHÈ HUẾ TRONG ĐÊM
                                        *****     
                                                     Nguyễn Hồng Trân  
 
“Ai chè đậu ván, đậu xanh,
Hạt sen, bắp nếp ngọt lành thơm ngon”.
Tiếng rao trong trẻo véo von,
Không gian xứ Huế vẫn còn như xưa.
Mùi chè thơm phức đêm khuya,
Khát khao trong dạ, thêm vừa lòng nhau.
Luyến lưu tình nghĩa trước sau,
Bao nhiêu kỷ niệm thuở nào còn đây.
Vấn vương chè Huế tháng ngày,
Bâng khuâng, thổn thức nhớ ai trong lòng…
Tiếng rao văng vẳng bên song,
Như gợi nỗi nhớ, chờ mong đêm hè.
Gió đưa thơm phức mùi chè,
Lòng ta thấm đậm tình quê dạt dào.
Giờ đây vắng vẻ tiếng rao,
Tìm đâu mùi vị ngọt ngào chè đêm?...
                                =====    
           Ghi chú:Ngày xưa gia đình tôi ở trong Kinh thành Huế, ba mẹ tôi rất thích ăn chè Huế ban đêm. Mỗi lần nghe tiếng rao chè Huế trong đêm là ba mẹ tôi đánh thức các con cùng dậy ăn chè cho vui.
Chè Huế có nhiều loại, ai thích ăn loại chè nào thì cứ xướng lên. Ba tôi thì thường thích ăn nhiều chè hạt sen, chè xanh đánh, còn mẹ tôi thích ăn chè đậu ván, chè trôi nước, tôi và các em tôi thì thích chè thập cẩm hoặc chè đậu đỏ hoặc chè nếp…
Phải nói rằng ở Huế món chè thật là phong phú và hương vị cũng rất hấp dẫn. Mỗi lần ăn chè cả nhà như thế rất vui và mọi người trong gia đình vừa ăn chầm chậm vừa chuyện trò một cách nhẹ nhàng, thi vị.
Bây giờ thì không còn những cảnh tượng đó nữa, nhưng trong tôi vẫn còn lưu lại những hình ảnh sum vầy gia đình trong đêm để thưởng thức các món chè của xứ Thần kinh Cố đô thật là thanh tao ý vị.
Tôi cứ nhớ mãi! Nhớ mãi nét mặt vui tươi của ba tôi; nét mặt hiền hậu của mẹ tôi; dáng vẻ nhí nhảnh, ngây thơ hớn hở của các em tôi trong những đêm chè Huế như vậy. Thật nhớ quá, nhớ quá thôi!!

NS.TRỊNH CÔNG SƠN HỒN NHẠC MÃI DÂNG ĐỜI

                                   TRỊNH CÔNG SƠN-
                     KHÚC CA HỒN NHẠC MÃI DÂNG ĐỜI           
                                      ********  
                                                 Nguyễn Hồng Trân

Trịnh Công Sơn [TCS] (28 /2 / 19391 / 4 /2001), -người con xứ Huế (quê quán ở làng Minh Hương, huyện  Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là một trong những nhạc sĩ lớn của Tân nhạc Việt Nam. Anh xuất hiện trong phong trào Tân nhạc ở Miền Nam từ những năm đầu của thập kỷ 60. Thực ra thì TCS đã đam mê âm nhạc và biết làm thơ, biết ca hát và sáng tác nhạc từ lúc 15-16 tuổi. Về sau thì tiếng tăm của anh đã vang dội khắp nơi trên 3 miền đất Việt. Ai cũng nói anh là một nhạc sĩ tài năng đã cho dòng chảy âm nhạc của mình vào các mạch máu con tim của mọi tầng lớp người.
Nhiều người cũng như tôi rất thích những ca khúc trữ tình của anh, nhưng có thể mỗi người thích theo một cách cảm nhận riêng mình. Những bài hát của TCS phần nhiều là thể loại tình ca, lắng đọng tâm hồn…
Trong hơn 600 ca khúc của anh có nội dung lời ca xung quanh chủ đề về tình yêu con người, về quê hương đất nước và về thân phận, triết lý cuộc đời…  
Những bài hát được nhiều người ưa thích và họ đã thuộc lòng, hát đi hát lại nhiều lần cho nhau nghe hoặc tự hát một mình để tâm tư thưởng thức. Có nhiều bài đã đi sâu vào lòng người và tồn tại mãi trong đời sống tinh thần của họ. Đó là những bài như: Diễm Xưa, Biển nhớ, Tuổi đá buồn, Quỳnh hương, Một cõi đi về, Nối vòng tay lớn, Huyền thoại mẹ, mùa thu Hà Nội.v.v…
Nhiều ca sĩ đã từng trình diễn các ca khúc của TCS rất hay đã được nhiều khán giả ưa thích, nhưng theo tôi nổi bật nhất và hát có hồn nhất thì chỉ có ca sĩ Khánh Ly và Hồng Nhung. Nhất là Khánh Ly, người mà TCS đã cùng hòa hợp tâm hồn nghệ sĩ, đã yêu thương nhau và đã từng đi hát cùng nhau qua bao năm tháng ở Sài Gòn. Nhưng có lẽ duyên phận của họ không được sống bên nhau lâu dài…
Về đánh giá nhận xét về nhạc Trịnh thì tôi không phải là chuyên gia âm nhạc nên không giám bàn luận gì, bởi vì người ta đã nói nhiều, viết nhiều về sự nghiệp âm nhạc của TCS và những ca khúc của anh. Tôi chỉ muốn nói thực lòng một điều: tôi rất yêu những ca khúc trữ tình của TCS, bởi vì nó có một cái gì đó nhẹ nhàng, tình cảm ý vị đi vào tâm khảm của con người rất tự nhiên. Tôi thường tâm sự với bạn bè của tôi: “Ca nhạc không thể thiếu trong cuộc đời của tôi từ thuở ấu thơ cho đến lúc già nua tóc bạc”. Và đến nay, tóc tôi cũng đã bạc trắng đầu khi đang vào lứa tuổi 74. Chính những lời bài ca và giai điệu trong sáng tác của TCS đã làm phong phú thêm cho cuộc sống tinh thần của tôi. Trong những nhạc sĩ xưa và nay của Việt Nam mà tôi yêu thích nhất thì trong đó nhạc sĩ TCS.
Thực ra trước đây (trước 1975), hồi tôi còn dạy học ở Hà Nội, tôi vẫn chưa biết gì về nhạc sĩ TCS cả. Tôi chỉ nghe mang máng về một bài ca “Nối vòng tay lớn” do anh sáng tác đã được nhiều người ca hát sôi nổi nhiệt tình cả Miền Nam Việt Nam. Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, vào mùa xuân năm 1976, tôi được may mắn được gặp TCS tại Đông Hà khi anh đến thăm anh Hoàng Phủ Ngọc Tường (đương chức là Trưởng Ty Văn hóa tỉnh Quảng Trị). Lúc đó theo yêu cầu của nhiều người thì tôi cũng được nghe anh vừa đánh đàn ghi ta vừa hát một số bài như: Diễm Xưa, Biển nhớ, Hoa Xuân ca, Một cõi đi về, Nối vòng tay lớn…
Tuy giọng hát của anh không hay lắm nhưng anh thể hiện tình cảm theo nội dung lời hát thì có một sức thu hút lòng người một cách kỳ lạ.
Từ khi gặp nhạc sĩ TCS dịp ấy, tôi rất quý mến anh rồi tìm hiểu những ca khúc của anh và vừa đàn ghi ta vừa hát những bài hát của anh mà tôi ưa thích. Không những tôi mà rất nhiều người cũng ưa thích ca nhạc của anh. Nhưng chúng tôi rất tiếc là anh đã từ giã trần gian ở tuổi đời 62 để về nơi vĩnh hằng khi tài năng còn đang nở rộ . 
Bây giờ đã qua 10 năm, nhạc sĩ TCS không còn trên đời này nữa, nhưng hình ảnh của anh và những ca khúc của anh đã in sâu trong tâm trí của hàng chục triệu người dân Việt. Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn anh -người nhạc sĩ đã cống hiến nhiều khúc ca hồn nhạc mãi dâng đời…
                                                     N.H.T
                     

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

CHÙM THƠ XƯỚNG HỌA CỦA NGUYỄN HỒNG TRÂN VÀ NHIỀU TÁC GIẢ HOA

CHÙM THƠ XƯỚNG HỌA: của Nguyễn Hồng Trân và nhiều tác giả
ở nhiều nơi trong và ngoài nước…

Bài xướng:    NGÀY TRỞ VỀ VẮNG EM
         *****  
Anh đi tác nghiệp khắp ba miền
Nay đã trở về vắng tiếng em?
Sóng nước lao xao mờ bóng nguyệt
Dòng sông lấp lánh ánh sao đêm
Hình dung ta đến chờ ngoài cổng
Tưởng nhớ nàng ra đợi trước thềm
Kỷ niệm ngày xưa còn đọng mãi
Bây giờ luyến tiếc mối tình duyên...
                       ==00==   
                             Nguyễn Hồng Trân  (tp. Huế)

Bài họa 1:                  TÌNH BIỆT
Từ buổi binh đao bặt khắp miền
Ba mươi năm lẻ lội tìm em
Dung nhan ảo giác soi vầng nguyệt
Mắt biếc mơ hồ rọi tú đêm
Hồn hóa tre chờ reo trước cổng
Tình nên hoa đợi trải bên thềm
Sao ai sương khói còn đi mãi
Để mỗi mình ta se sợi duyên ./.
                   Châu Thạch (Đà Nẵng)

Bài họa 2:              GẶP LẠI EM         
 Bao năm ngăn cách giữa hai miền
Canh cánh trong lòng nỗi nhớ em
Bến Hải, đợi ngày bơi suốt sáng
Hiền Lương, chờ phút dạo thâu đêm
Gặp nhau, hớn hở cười bên giậu
Nghĩ lại, hờn ghen khóc cạnh thềm
Thống nhất non sông liền một giải
Đôi ta thỏa nguyện kết tơ duyên.
                    ==00==  
               Lê Sông Thu (tp.HCM)
                     
Bài họa 3:          NHỚ NGƯỜI XƯA

          Từ khi đất nước cách hai miền    
          Anh mãi âm thầm đợi bóng em
          Gượng gạo tìm vui cùng nắng sáng
          Thẫn thờ làm bạn với sao đêm
          Nhìn vầng trăng cũ vương trên mái
          Nhớ bóng người xưa đứng tựa thềm
          Em mãi đi rồi không trở lại
          Để buồn vạn thuở mối tơ duyên
                                   Mạnh-Trương
                                  Washington DC/USA     

Bài họa 4:              ĐÊM MỘNG

Mây trải giăng giăng phủ mọi miền
Sợi buồn se sắt lạnh hồn em
Lắt lay bờ cỏ đong đưa nhẹ
Chênh chếch trăng tà hiu hắt đêm
Rả rích côn trùng rên ngạch cửa
Ru hồn cô phụ khóc bên thềm
Tiếng lòng khắc khoải mòn nhung nhớ
Giục giã tàn canh nợ chút duyên…
                                          ==00==
                   Thu Vân (tp.Biên Hòa)

Bài họa 5:                   BIỆT LY                   

Khói lửa đau thương khắp mọi miền
Cũng đành lỗi hẹn với tình em.
Niềm thương khắc khoải khi chiều tối
Nỗi nhớ cồn cào lúc nửa đêm.
Vườn vắng hoa tàn rơi trước ngõ
Nhà hoang cỏ dại mọc sau thềm.
Chiến tranh để lại bao đau xót
Hết giặc, anh về kẻo lỡ duyên.
                                       ==00==
                              Lương Thế Hùng (Phú Thọ)

Bài họa 6:            TRÁCH THẦM     
                              
Chiến cuộc tràn lan khắp mọi miền
Bao nhà mất mát, chị xa em !
Cầu Dài gãy khúc ngâm dòng nước
Thành Cổ tan tành phủ bóng đêm
Phố cũ còn đâu, trơ gạch nát
Người xưa vắng bóng cỏ đầy thềm
Anh đi thỏa chí quên thời trẻ
Có hiểu cho người phận lỡ duyên ?
                     ==00==
                             Võ Làng Trâm (tp. Nha Trang)

Bài họa 7:                     VẪN TÌM EM 

  Mấy chục năm nay kiếm khắp miền
  Mà đâu được gặp để thăm em!
  Dáng xưa ôm ấp ân tình sáng
  Hình cũ u-hoài giấc mộng đêm
  Sương sớm heo mây- về trước cửa
  Trăng khuya hiu hắt- vọng bên thềm
  Tháng ngày rong ruỗi đâu an phận
  Oán số, trách trời chẳng tạo duyên.
                      ==00==
                                Cao Bằng (Tp. HCM)

Bài họa 8:           NHỚ MÃI TIẾNG EM

Viễn du đã đến được đôi miền
Nhưng chỉ ghi lòng tiếng của em
Êm dịu ngôn từ vờn nắng sớm
Ngọt ngào giọng nói quyện sương đêm
Đàn bầu thương cảm rung trên mái
Phạch ngọc sầu vương đọng trước thềm
Hoài niệm buồn vui luôn vọng tưởng
Trách mình lỗi hẹn mối lương duyên.
                     ==00==
                               Việt Bình (TP. Huế)
Bài họa 9:      CHÚT DUYÊN THẦM
   Mê mải anh đi khắp mọi miền
   Có còn biết được cảnh tình em
   Trào dâng nhung nhớ khi chiều xuống
   Chất chứa tủi hờn lúc nửa đêm
   Đôi lúc ngỡ anh về trước ngõ
   Nào hay gió lạnh lướt qua thềm
   Gió đừng thổi nữa-mòn hiu quạnh
   Yên để mình em khóc chút duyên!
                          
Xuân Lộc (Hà Nội)
Bài họa 10: NỖI LÒNG NGƯỜI LÍNH

                   Dù cho rong ruổi khắp bao miền,
                   Lòng vẫn tràn đầy bóng dáng em.
                   Đang lúc hành quân qua biển đảo,
                   Hay khi cắm trại suốt ngày đêm.
                   Bờ môi làn tóc đùa bên gối,
                   Da thịt mùi hương đọng dưới thềm.
                   Vương vấn theo chân người lính trẻ,
                   Mỏi mong tình mãi mãi bền duyên.
                                                   Quang Tri
 Bài họa 11:      NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI

                   Anh đi lang bạt khắp ba miền
                   Quay quắt ngày đêm nỗi nhớ em
                   Khúc khích tiếng cười tươi nắng sớm
                   Thầm thì câu hát lạnh trăng đêm
                   Áo bay ướt nhẹ sương đầu ngõ
                   Tóc xỏa khô hanh gió trước thềm.
                   Thấp thoáng đêm dài xanh mộng mị
                   Em về lúng liếng mắt đưa duyên...  
                                  Phạm An Hòa

Bài họa 12:             THIẾU EM

Sông núi trời mây đẹp khắp miền
Chẵng sao bù đắp nếu không em
Bước đi buồn tẻ khi chiều xuống
Ngồi lại thẫn thờ lúc bóng đêm
Thiếu một làn môi thơm trước gió
Vắng đôi ánh mắt ngọt bên thềm
Ngàn năm bóng nguyệt khơi dòng cảm
Không khác nào em mãi thắm duyên.
                            Lê Kinh Huyền
Bài họa 13:         TÌNH CHIẾN SỸ
Dù đi biền biệt khắp bao miền
Anh vẫn lâng lâng nỗi nhớ em
Đôi lúc thẫn thờ nhìn nắng sớm
Lắm khi hờ hững ngắm sao đêm
Hình dung anh vẫn chờ ngoài ngõ
Mường tượng em đang đợi trước thềm
Khắc khoải hoài mong ngày trở lại
Cùng em xe kết mối tơ duyên!
                      Nguyễn Hiệu      
Bài họa 14:                 NHỚ HẸN           
Chiến tranh khốc liệt cả ba miền
Vợ phải xa chồng, anh cách em
Bom giặc gầm rung từ tảng sáng
Đạn thù cày xới tới thâu đêm
Vườn hoang, cỏ mọc xanh ngoài ngõ
Nhà vắng, rêu lan thẫm trước thềm
Mê mải chiến công, anh vẫn nhớ:
Hẹn ngày toàn thắng kết xe duyên
                              Xuân Lộc- Hà Nội
                                              

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

TẬP TỤC DÂN GIAN CHỌN NGÀY LÀNH, GIỜ TỐT

           TẬP TỤC CHỌN NGÀY LÀNH, GIỜ TỐT
                                          ******      
                                     
Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam cũng như nhiều nước ở Châu á có phong tục chọn ngày lành, tháng tốt, giờ tốt để thuận lợi tiến hành những việc như xuất hành, khai trương, động thổ xây dựng, giá thú, mai táng…
Thực ra chuyện này có linh nghiệm hay không thì cũng chưa ai tổng kết rành mạch được. Tuy vậy, trong thực tế đời sống, người ta cứ truyền cho nhau những kết quả thuận lợi khi biết xem ngày lành, tháng tốt để bắt đầu thực hiện những việc hệ trọng. Từ đó trong dân gian từ xưa đến nay vẫn thành tâm tự nguyện duy trì lề thói ấy cho đến ngày nay.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho những ai quan tâm đến vấn đề này, tôi xin giới thiệu một bảng tra tìm ngày, giờ tốt để mọi người tham khảo mà áp dụng để khỏi phải mất công, tốn tiền đi xem thầy tư vấn.
Trong quá trình nghiên cứu vấn đề này qua các sách báo xưa và nay, tôi đã tạo ra một bảng tra tìm ngày lành, giờ tốt, tháng tốt một cách giản đơn dễ nhớ, dễ tìm hiểu để thực hiện.
Bảng tra cứu này do tôi tạo ra vào Quý xuân năm Canh Dần 2010 và đã kiểm tra qua thực tế đối chiếu với các sách nói về “Ngày lành, tháng tốt” đã xuất bản xưa và nay đều thấy trùng khớp, chính xác.
Sau đây xin giới thiệu bảng tra tìm đó:
                   
      Ngày
               Vùng chọn giờ tốt  (phía dưới)
Dần
Thân
Sửu
Thìn
Tị
Mùi
Tuất
Mão
Dậu
Dần
Mão
Ngọ
Mùi
Dậu
Thìn
Tuất
Thìn
Tị
Thân
Dậu
Hợi
Dần
Tị
Hợi
Ngọ
Mùi
Tuất
Hợi
Sửu
Thìn
Ngọ
Thân
Dậu
Sửu
Mão
Ngọ
Mùi
Sửu
Tuất
Hợi
Dần
Mão
Tị
Thân
     Tháng  
               Vùng chọn ngày tốt(phía trên)


Ghi chú: Cách dùng bảng tra giờ tốt từng ngày như trên rất đơn giản. Đầu tiên xem ta định ngày nào tên ngày âm lịch thì xem trong 2 cột dọc bên trái, tiếp đó dóng theo cùng hàng ngang để tìm những giờ tốt trong ngày đó mà vận dụng đối với từng việc cho phù hợp và thuận tiện.
Ví dụ: Ngày Dần, ngày Thân thì dùng dãy giờ trong hàng ngang thứ nhất: Tý, Sửu, Thìn, Tị, Mùi, Tuất.
Quy định giờ âm lịch được tính như sau:
Giờ Tý từ sau 11 giờ đêm đến 01 giờ sáng; 12 giờ đêm là chính Tý.
Giờ Sửu từ sau 01 giờ sáng đến 3 giờ sáng;02 giờ sáng là chính Sửu.
Giờ Dần từ sau 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng; 04 giờ sáng là chính Dần.
Giờ Mão từ sau 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng; 06 giờ sáng là chính Mão.
Giờ Thìn từ sau 7 giờ sang đến 9 giờ; 08 giờ sáng là chính Thìn.
Giờ Tị từ sau 9 giờ đến 11 giờ trưa; 10 giờ sáng là chính Tị.
Giờ Ngọ từ sau 11 giờ trưa đến 01 giờ chiều; 12 giờ trưa là chính Ngọ.
Giờ Mùi từ sau 01 giờ chiều đến 3 giờ chiều;2 giờ chiều là chính Mùi.
Giờ Thân từ sau 03 giờ chiều đến 5 giờ chiều; 4 giờ chiều là chính Thân.
Giờ Dậu từ sau 05 giờ chiều đến 7 giờ tối; 6 giờ chiều là chính Dậu.
Giờ Tuất từ sau 7 giờ tối đến 9 giờ tối; 8 giờ tối là chính Tuất.
Giờ Hợi từ sau 9 giờ tối đến 11 giờ đêm; 10 giờ  đêm là chính Hợi.
rồi quay lại giờ Tý như trên.
Lưu ý rằng: Tùy theo công việc định tiến hành diễn ra vào lúc nào cho thuận tiện và trong thời gian dài hay ngắn để ta chọn giờ cho thích hợp. 
Bảng này cũng có thể vận dụng để tìm ngày tốt trong tháng. Tháng giêng tính là tháng Dần, tháng 2 là Mão, tháng 3 là Thìn… tháng 12 là Sửu. Ta cũng tiến hành cách tìm như trên. Căn cứ vào 2 cột tháng bên trái bảng, ta tìm các ngày tốt của tháng Giêng (là tháng Dần) và tháng 7 (là tháng Thân) thì dóng theo hàng ngang là các ngày tốt; tháng Hai là tháng Mão và tháng 8 là tháng Dậu thì ta dóng hàng ngang thứ 2 thì sẽ tìm được những ngày tốt trong hai tháng đó. 
Ngoài ra người ta cẩn thận hơn nữa là còn xem thêm những ngày kiêng kỵ cần tránh và những ngày xung khắc bổn mệnh theo thuyết ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH để lựa chọn những ngày tháng cho thích hợp với công việc hệ trọng mà ta định làm.
                            ==00==