Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

NS.TRỊNH CÔNG SƠN HỒN NHẠC MÃI DÂNG ĐỜI

                                   TRỊNH CÔNG SƠN-
                     KHÚC CA HỒN NHẠC MÃI DÂNG ĐỜI           
                                      ********  
                                                 Nguyễn Hồng Trân

Trịnh Công Sơn [TCS] (28 /2 / 19391 / 4 /2001), -người con xứ Huế (quê quán ở làng Minh Hương, huyện  Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là một trong những nhạc sĩ lớn của Tân nhạc Việt Nam. Anh xuất hiện trong phong trào Tân nhạc ở Miền Nam từ những năm đầu của thập kỷ 60. Thực ra thì TCS đã đam mê âm nhạc và biết làm thơ, biết ca hát và sáng tác nhạc từ lúc 15-16 tuổi. Về sau thì tiếng tăm của anh đã vang dội khắp nơi trên 3 miền đất Việt. Ai cũng nói anh là một nhạc sĩ tài năng đã cho dòng chảy âm nhạc của mình vào các mạch máu con tim của mọi tầng lớp người.
Nhiều người cũng như tôi rất thích những ca khúc trữ tình của anh, nhưng có thể mỗi người thích theo một cách cảm nhận riêng mình. Những bài hát của TCS phần nhiều là thể loại tình ca, lắng đọng tâm hồn…
Trong hơn 600 ca khúc của anh có nội dung lời ca xung quanh chủ đề về tình yêu con người, về quê hương đất nước và về thân phận, triết lý cuộc đời…  
Những bài hát được nhiều người ưa thích và họ đã thuộc lòng, hát đi hát lại nhiều lần cho nhau nghe hoặc tự hát một mình để tâm tư thưởng thức. Có nhiều bài đã đi sâu vào lòng người và tồn tại mãi trong đời sống tinh thần của họ. Đó là những bài như: Diễm Xưa, Biển nhớ, Tuổi đá buồn, Quỳnh hương, Một cõi đi về, Nối vòng tay lớn, Huyền thoại mẹ, mùa thu Hà Nội.v.v…
Nhiều ca sĩ đã từng trình diễn các ca khúc của TCS rất hay đã được nhiều khán giả ưa thích, nhưng theo tôi nổi bật nhất và hát có hồn nhất thì chỉ có ca sĩ Khánh Ly và Hồng Nhung. Nhất là Khánh Ly, người mà TCS đã cùng hòa hợp tâm hồn nghệ sĩ, đã yêu thương nhau và đã từng đi hát cùng nhau qua bao năm tháng ở Sài Gòn. Nhưng có lẽ duyên phận của họ không được sống bên nhau lâu dài…
Về đánh giá nhận xét về nhạc Trịnh thì tôi không phải là chuyên gia âm nhạc nên không giám bàn luận gì, bởi vì người ta đã nói nhiều, viết nhiều về sự nghiệp âm nhạc của TCS và những ca khúc của anh. Tôi chỉ muốn nói thực lòng một điều: tôi rất yêu những ca khúc trữ tình của TCS, bởi vì nó có một cái gì đó nhẹ nhàng, tình cảm ý vị đi vào tâm khảm của con người rất tự nhiên. Tôi thường tâm sự với bạn bè của tôi: “Ca nhạc không thể thiếu trong cuộc đời của tôi từ thuở ấu thơ cho đến lúc già nua tóc bạc”. Và đến nay, tóc tôi cũng đã bạc trắng đầu khi đang vào lứa tuổi 74. Chính những lời bài ca và giai điệu trong sáng tác của TCS đã làm phong phú thêm cho cuộc sống tinh thần của tôi. Trong những nhạc sĩ xưa và nay của Việt Nam mà tôi yêu thích nhất thì trong đó nhạc sĩ TCS.
Thực ra trước đây (trước 1975), hồi tôi còn dạy học ở Hà Nội, tôi vẫn chưa biết gì về nhạc sĩ TCS cả. Tôi chỉ nghe mang máng về một bài ca “Nối vòng tay lớn” do anh sáng tác đã được nhiều người ca hát sôi nổi nhiệt tình cả Miền Nam Việt Nam. Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, vào mùa xuân năm 1976, tôi được may mắn được gặp TCS tại Đông Hà khi anh đến thăm anh Hoàng Phủ Ngọc Tường (đương chức là Trưởng Ty Văn hóa tỉnh Quảng Trị). Lúc đó theo yêu cầu của nhiều người thì tôi cũng được nghe anh vừa đánh đàn ghi ta vừa hát một số bài như: Diễm Xưa, Biển nhớ, Hoa Xuân ca, Một cõi đi về, Nối vòng tay lớn…
Tuy giọng hát của anh không hay lắm nhưng anh thể hiện tình cảm theo nội dung lời hát thì có một sức thu hút lòng người một cách kỳ lạ.
Từ khi gặp nhạc sĩ TCS dịp ấy, tôi rất quý mến anh rồi tìm hiểu những ca khúc của anh và vừa đàn ghi ta vừa hát những bài hát của anh mà tôi ưa thích. Không những tôi mà rất nhiều người cũng ưa thích ca nhạc của anh. Nhưng chúng tôi rất tiếc là anh đã từ giã trần gian ở tuổi đời 62 để về nơi vĩnh hằng khi tài năng còn đang nở rộ . 
Bây giờ đã qua 10 năm, nhạc sĩ TCS không còn trên đời này nữa, nhưng hình ảnh của anh và những ca khúc của anh đã in sâu trong tâm trí của hàng chục triệu người dân Việt. Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn anh -người nhạc sĩ đã cống hiến nhiều khúc ca hồn nhạc mãi dâng đời…
                                                     N.H.T
                     

Không có nhận xét nào: