Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

VĂN HÓA ĐỌC NGÀY NAY...

                   

                           VĂN HÓA ĐỌC NGÀY NAY

                                             Nguyễn Hồng Trân (cựu GV. ĐHKH -Huế)

Có thể nói rằng sách báo, tài liệu là “món ăn”, là nguồn “thực phẩm” bổ ích cho đời sống tinh thần hàng ngày cho mọi người muốn hiểu biết. Nhất là đối với lớp trẻ thời nay cần phải đọc tài liệu,sách báo nhiều mới theo kịp được những thông tin mới; những vấn đề cần thiết cho cuộc sống, cho sự phát triển nghề nghiệp và sáng tạo cho xã hội.
Sách báo, tài liều là tài sản văn hóa quí giá của tri thức nhân loại tạo nên. Nhất là sách báo về khoa học, kỹ thuật, xã hội nhân văn và văn hóa nghệ thuật là những sản phẩm của trí tuệ và thực tiễn đã đúc kết lại để lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
Ngày nay, các loại sách báo và tài liệu quá nhiều - Việt văn cũng như Ngoại văn. Thật thuận lợi cho nhiều người tham khảo, nghiên cứu và học tập để nâng cao kiến thức của mình. Với sức trẻ dồi dào và lòng mê say nhiệt tình với sách báo của học sinh, sinh viên bây giờ cũng không thể nào đọc xuể hết những thông tin hàng ngày của lĩnh vực mình cần quan tâm. Tất nhiên, đọc sách báo, tài liệu đã được in ấn lưu hành, cũng như những tài liệu sách báo trực tuyến trên mạng là phải có chọn lọc theo nhu cầu về học tập, nghiên cứu, giải trí v.v...
Nhưng cách đọc như thế nào để đọc được nhiều và có hiệu qủa? Điều đó là thuộc nghệ thuật và năng lực riêng của từng người. Không thể bắt ai rập khuôn theo ai cả. Bởi vì nó còn phụ thuộc vào khả năng trí tuệ và sự kiên nhẫn, chịu khó của người đọc. Tuy vậy, chúng tôi cũng có đôi điều cần trao đổi cùng nhau để nâng cao chất lượng việc đọc sách báo nhằm khai thác kịp thời những thông tin tư liệu hữu ích cho quá trình trích lũy, tự làm giàu và phát triển vốn hiểu biết của mình. Nghĩa là phải biết cách nạp năng lượng vào trí tuệ một cách hợp lý để sau này trí tuệ có điều kiện để sản sinh ra những năng lượng mới mạnh hơn.
Thông thường việc đọc sách báo có 3 mục đích:
 Một là để phục vụ cho mục đích chính của mình như học tập, nghiên cứu, nghề nghiệp và công tác.
Hai là để mở rộng tầm hiểu biết nhận thức về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật...
Ba là đọc để giải trí, thư giãn tinh thần. Mặc dù mục đích có khác nhau nhưng khi đọc cần phải nắm được:
1. Nội dung chủ yếu vấn đề.
2. Các ý chính của vấn đề.
3. Các dẫn chứng, đánh giá và số liệu.
Nếu đọc sách báo, tài liệu để phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu thì nên chú ý thêm và nguồn tư liệu của ai, do ai viết, ai dịch, cơ quan nào xuất bản? Vào năm nào? Điều này rất quan trọng. Vì nó sẽ giúp ta cân nhắc độ tin cậy vào các thông tin, tư liệu, sự kiện và những nhận xét đánh giá vấn đề một cách khoa học. Như trong dân gian ta có câu: “Nói có sách, mách có chứng”. Có như thế người ta mới tin. Chẳng hạn, nếu có một bài dịch từ ngoại văn nghe rất hay và có nhiều thông tin sự kiện hấp dẫn, nhưng dịch giả lại không ghi cụ thể dịch từ nguồn gốc thư mục nào thì người ta khó mà tin cậy được. Nhất là đối với các tài liệu trên mạng thì phải dè chừng! Không nên quá vội vàng tin cậy ngay mà phải xem xét, đối chiếu với nhiều tài liệu khác để kiểm chứng mới dùng. Bởi vì hiện nay trên mạng có nhiều tài liệu bị xuyên tạc méo mó, thậm chí sai lệch rất nhiều cũng do không ít tác giả vô trách nhiệm với bài viết của mình; hoặc có tình trạng viết ẩu cho xong chuyện; hoặc cố ý bóp méo sự thật, hay bịa đặt ra như thật nhằm mục đích cá nhân để lừa gạt những người cả tin với ý đồ chính trị thù địch, xấu xa, v.v…
Vì vậy, mỗi một người, tùy theo nhu cầu, mục đích đọc sách báo, tài liệu mà sử dụng cách đọc cho hợp lý. Có thể đọc lướt qua để nắm nội dung chủ đề; có thể đọc toàn văn để nắm bắt các thông tin cốt yếu; có thể đọc kỹ để nghiên cứu, phân tích v.v... có những số liệu, thông tin cần thiết nên ghi chép lại để lưu giữ và sử dụng về sau.
Người đọc sách báo muốn biết được khả năng đọc và nhớ của mình như thế nào sau khi đọc xong một bài báo hay một tài liệu, ta hãy cố nhớ lại được bao nhiêu dạng thông tin, ý tứ trong đó. Nếu nhớ được nhiều tức là khả năng tiếp nhận và lưu giữ thông tin của trí não rất tốt. Nhưng ngược lại, nếu ta nhớ được ít tức là tiếp thu kém. Như vậy, cần phải tập luyện cách nhớ các dạng thông tin. Muốn nhớ được nhiều ý của nội dung vấn đề thì phải biết tìm các thông tin chính rồi liên hệ với các dữ liệu liên quan. Ta cứ hình dung toàn bộ vấn đề thuộc nội dung của một bài báo hay quyển sách như một cái cây. Nó có gốc, thân, cành, nhánh, lá. Trước tiên phải nhớ cái gốc, cái thân là những cái gì và nó thể hiện như thế nào? Sau đó nhớ tới các cành ra sao? Từ đó, liên hệ đến các nhánh rồi nhớ chi tiết đến lá càng tốt. Ta phải tập nhớ từ những cây đơn giãn (một thân, vài cành...) .
Một điều cần lưu ý đáng nhớ thêm là các mầm non mới nẩy sinh từ thân cây hoặc ở cành cây. Đây chính là biểu lộ những yếu tố mới bắt đầu sinh thành. Còn bộ phận của rễ cây nằm dưới đất ta không thể thấy được. Điều này rất thú vị, nó giúp chúng ta suy đoán được, luận lý được khi liên hệ với thân cành. Nghĩa là nếu thân cây to thì rễ cứng và lan tỏa ra nhiều. Thân cây lớn cao thì rễ cắm sâu và chắc. Từ đó, ta có thể suy luận ra nhiều vấn đề tiềm ẩn khác thuộc chiều sâu và chiều rộng đáng được khám phá của chủ đề.


Một điều vô cùng quan trọng đối với người đọc sách báo là biết được giá trị nội dung của vấn đề; Tìm ra được cái hay cái dở của vấn đề. Theo chúng tôi, giá trị của tài liệu không chỉ thể hiện ở chô ùlý luận chặt chẽ, minh chứng rõ ràng, số liệu đáng tin cậy v.v... mà còn có những nhận xét, đánh giá thích đáng; những suy đoán, dự báo khoa học với những ý tưởng hợp lý, mới mẻ. Vấn đề này không dễ dàng gì mà hiểu biết chính xác được; Không phải bạn đọc nào cũng nắm được các đặc tính khoa học trong một quyển sách hay bài viết nghiên cứu.
Nói thực ra là phải có trình độ, kiến thức; phải quen học hỏi nghiên cứu qua sách báo nhiều lần mới có kinh nghiệm chọn lọc, phân tích, tổng hợp tài liệu rồi suy diễn vấn đề. Nhờ vậy, nhiều người biết cách đọc sách báo và đã biết tích lũy, vận dụng khai thác được nhiều thông tin tư liệu có giá trị ở những phạm trù và góc độ khác nhau. Do đó mà giúp ta tránh được hiện tượng giáo điều, rập khuôn. Khi vận dụng tri thức vào thực tế công việc hay học tập nghiên cứu. Người đọc sách báo thành thạo bao giờ cũng tìm được cho mình một phương thức riêng về tiếp nhận thông tin và vận dụng nó một cách hợp lý.
Cần lưu ý rằng, trong các sách báo nhiều khi đề cập đến một thuật ngữ nào đó, người ta thường đưa ra những khái niệm với những ý niệm khác nhau do những góc độ nhìn khác nhau. Thí dụ như khái niệm về “MAKETING“ có nhiều định nghĩa:
- “Maketing” là cách thức làm tăng cường việc tiêu thụ hàng hóa hoặc dịch vụ kinh tế thị trường.
- “Maketing” là nghệ thuật tạo giá trị đầu ra cho sản phẩm hàng hóa.
- “Maketing” là biện pháp thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- “Maketing” là phương sách tạo ra lợi nhuận và uy tín cho việc sản xuất ra hàng hóa.
- “Maketing” là hoạt động nhằm thu hút sự chú ý đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường hàng hóa.
Như vậy, cốt lõi của Maketing là cách tạo điều kiện cho đầu ra của sản phẩm thuận lợi. Do đó, người đọc phải biết tìm cái cốt lõi của vấn đề và ý nghĩa của nó để có nhận thức đúng đắn rồi vận dụng định nghĩa nào cho phù hợp với nội dung của vấn đề mình nêu ra.
Càng đọc sách báo càng nhiều thì người đọc sẽ được nâng cao nhận thức của mình càng vững vàng, phong phú. Nhưng thời đại ngày nay, lượng thông tin, tư liệu qua sách báo quá nhiều. Chúng ta không thể nào đọc kịp thời được hết những thông tin cần thiết. Mặt khác cũng có nhiều thông tin qua sách báo chưa được chuẩn xác thì cần phải đọc thêm nhiều tài liệu khác để đối chứng nhằm tìm ra được những nguồn thông tin đáng tin cậy. Vì thế, phải có định hướng, có mục đích để tìm những vấn đề thiết thực cho nghề nghiệp, cuộc sống, tinh thần và hoạt động trí tuệ của mình. Có như vậy việc học tập qua sách báo mới có hiệu quả thực sự. Đó mới chính là có trình độ văn hóa đọc.
                                              =====
                                                 

Không có nhận xét nào: