Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

CHÙM THƠ XƯỚNG HỌA CỦA NGUYỄN HỒNG TRÂN VÀ NHIỀU TÁC GIẢ HOA

CHÙM THƠ XƯỚNG HỌA: của Nguyễn Hồng Trân và nhiều tác giả
ở nhiều nơi trong và ngoài nước…

Bài xướng:    NGÀY TRỞ VỀ VẮNG EM
         *****  
Anh đi tác nghiệp khắp ba miền
Nay đã trở về vắng tiếng em?
Sóng nước lao xao mờ bóng nguyệt
Dòng sông lấp lánh ánh sao đêm
Hình dung ta đến chờ ngoài cổng
Tưởng nhớ nàng ra đợi trước thềm
Kỷ niệm ngày xưa còn đọng mãi
Bây giờ luyến tiếc mối tình duyên...
                       ==00==   
                             Nguyễn Hồng Trân  (tp. Huế)

Bài họa 1:                  TÌNH BIỆT
Từ buổi binh đao bặt khắp miền
Ba mươi năm lẻ lội tìm em
Dung nhan ảo giác soi vầng nguyệt
Mắt biếc mơ hồ rọi tú đêm
Hồn hóa tre chờ reo trước cổng
Tình nên hoa đợi trải bên thềm
Sao ai sương khói còn đi mãi
Để mỗi mình ta se sợi duyên ./.
                   Châu Thạch (Đà Nẵng)

Bài họa 2:              GẶP LẠI EM         
 Bao năm ngăn cách giữa hai miền
Canh cánh trong lòng nỗi nhớ em
Bến Hải, đợi ngày bơi suốt sáng
Hiền Lương, chờ phút dạo thâu đêm
Gặp nhau, hớn hở cười bên giậu
Nghĩ lại, hờn ghen khóc cạnh thềm
Thống nhất non sông liền một giải
Đôi ta thỏa nguyện kết tơ duyên.
                    ==00==  
               Lê Sông Thu (tp.HCM)
                     
Bài họa 3:          NHỚ NGƯỜI XƯA

          Từ khi đất nước cách hai miền    
          Anh mãi âm thầm đợi bóng em
          Gượng gạo tìm vui cùng nắng sáng
          Thẫn thờ làm bạn với sao đêm
          Nhìn vầng trăng cũ vương trên mái
          Nhớ bóng người xưa đứng tựa thềm
          Em mãi đi rồi không trở lại
          Để buồn vạn thuở mối tơ duyên
                                   Mạnh-Trương
                                  Washington DC/USA     

Bài họa 4:              ĐÊM MỘNG

Mây trải giăng giăng phủ mọi miền
Sợi buồn se sắt lạnh hồn em
Lắt lay bờ cỏ đong đưa nhẹ
Chênh chếch trăng tà hiu hắt đêm
Rả rích côn trùng rên ngạch cửa
Ru hồn cô phụ khóc bên thềm
Tiếng lòng khắc khoải mòn nhung nhớ
Giục giã tàn canh nợ chút duyên…
                                          ==00==
                   Thu Vân (tp.Biên Hòa)

Bài họa 5:                   BIỆT LY                   

Khói lửa đau thương khắp mọi miền
Cũng đành lỗi hẹn với tình em.
Niềm thương khắc khoải khi chiều tối
Nỗi nhớ cồn cào lúc nửa đêm.
Vườn vắng hoa tàn rơi trước ngõ
Nhà hoang cỏ dại mọc sau thềm.
Chiến tranh để lại bao đau xót
Hết giặc, anh về kẻo lỡ duyên.
                                       ==00==
                              Lương Thế Hùng (Phú Thọ)

Bài họa 6:            TRÁCH THẦM     
                              
Chiến cuộc tràn lan khắp mọi miền
Bao nhà mất mát, chị xa em !
Cầu Dài gãy khúc ngâm dòng nước
Thành Cổ tan tành phủ bóng đêm
Phố cũ còn đâu, trơ gạch nát
Người xưa vắng bóng cỏ đầy thềm
Anh đi thỏa chí quên thời trẻ
Có hiểu cho người phận lỡ duyên ?
                     ==00==
                             Võ Làng Trâm (tp. Nha Trang)

Bài họa 7:                     VẪN TÌM EM 

  Mấy chục năm nay kiếm khắp miền
  Mà đâu được gặp để thăm em!
  Dáng xưa ôm ấp ân tình sáng
  Hình cũ u-hoài giấc mộng đêm
  Sương sớm heo mây- về trước cửa
  Trăng khuya hiu hắt- vọng bên thềm
  Tháng ngày rong ruỗi đâu an phận
  Oán số, trách trời chẳng tạo duyên.
                      ==00==
                                Cao Bằng (Tp. HCM)

Bài họa 8:           NHỚ MÃI TIẾNG EM

Viễn du đã đến được đôi miền
Nhưng chỉ ghi lòng tiếng của em
Êm dịu ngôn từ vờn nắng sớm
Ngọt ngào giọng nói quyện sương đêm
Đàn bầu thương cảm rung trên mái
Phạch ngọc sầu vương đọng trước thềm
Hoài niệm buồn vui luôn vọng tưởng
Trách mình lỗi hẹn mối lương duyên.
                     ==00==
                               Việt Bình (TP. Huế)
Bài họa 9:      CHÚT DUYÊN THẦM
   Mê mải anh đi khắp mọi miền
   Có còn biết được cảnh tình em
   Trào dâng nhung nhớ khi chiều xuống
   Chất chứa tủi hờn lúc nửa đêm
   Đôi lúc ngỡ anh về trước ngõ
   Nào hay gió lạnh lướt qua thềm
   Gió đừng thổi nữa-mòn hiu quạnh
   Yên để mình em khóc chút duyên!
                          
Xuân Lộc (Hà Nội)
Bài họa 10: NỖI LÒNG NGƯỜI LÍNH

                   Dù cho rong ruổi khắp bao miền,
                   Lòng vẫn tràn đầy bóng dáng em.
                   Đang lúc hành quân qua biển đảo,
                   Hay khi cắm trại suốt ngày đêm.
                   Bờ môi làn tóc đùa bên gối,
                   Da thịt mùi hương đọng dưới thềm.
                   Vương vấn theo chân người lính trẻ,
                   Mỏi mong tình mãi mãi bền duyên.
                                                   Quang Tri
 Bài họa 11:      NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI

                   Anh đi lang bạt khắp ba miền
                   Quay quắt ngày đêm nỗi nhớ em
                   Khúc khích tiếng cười tươi nắng sớm
                   Thầm thì câu hát lạnh trăng đêm
                   Áo bay ướt nhẹ sương đầu ngõ
                   Tóc xỏa khô hanh gió trước thềm.
                   Thấp thoáng đêm dài xanh mộng mị
                   Em về lúng liếng mắt đưa duyên...  
                                  Phạm An Hòa

Bài họa 12:             THIẾU EM

Sông núi trời mây đẹp khắp miền
Chẵng sao bù đắp nếu không em
Bước đi buồn tẻ khi chiều xuống
Ngồi lại thẫn thờ lúc bóng đêm
Thiếu một làn môi thơm trước gió
Vắng đôi ánh mắt ngọt bên thềm
Ngàn năm bóng nguyệt khơi dòng cảm
Không khác nào em mãi thắm duyên.
                            Lê Kinh Huyền
Bài họa 13:         TÌNH CHIẾN SỸ
Dù đi biền biệt khắp bao miền
Anh vẫn lâng lâng nỗi nhớ em
Đôi lúc thẫn thờ nhìn nắng sớm
Lắm khi hờ hững ngắm sao đêm
Hình dung anh vẫn chờ ngoài ngõ
Mường tượng em đang đợi trước thềm
Khắc khoải hoài mong ngày trở lại
Cùng em xe kết mối tơ duyên!
                      Nguyễn Hiệu      
Bài họa 14:                 NHỚ HẸN           
Chiến tranh khốc liệt cả ba miền
Vợ phải xa chồng, anh cách em
Bom giặc gầm rung từ tảng sáng
Đạn thù cày xới tới thâu đêm
Vườn hoang, cỏ mọc xanh ngoài ngõ
Nhà vắng, rêu lan thẫm trước thềm
Mê mải chiến công, anh vẫn nhớ:
Hẹn ngày toàn thắng kết xe duyên
                              Xuân Lộc- Hà Nội
                                              

Không có nhận xét nào: